Thăng hạng cạnh tranh, tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam
Việc thăng hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được đánh giá là tín hiệu đáng mừng, có tác động tích cực đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Nguyễn Minh Thảo.
Mới đây, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đã có bước nhảy vọt 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm, lên hạng 55/137.
Theo ThS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), WEF là một diễn đàn rất uy tín trên thế giới trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh dựa trên năng suất lao động. Những công bố của họ là một trong những tài liệu tham khảo tốt mà các quốc gia thường tham chiếu khi phân tích, đánh giá. “Vì vậy, việc được WEF xếp ở thứ hạng 55/137 - một thứ hạng khá tốt, cùng việc tăng 5 bậc so với năm ngoái là một tín hiệu rất đáng mừng cho Việt Nam”.
Bà Minh Thảo cho biết, “việc thăng hạng đáng kể của Việt Nam cũng có thể tác động tích cực đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài”.
Chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu thường được các nhà đầu tư tham khảo trước khi ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở một quốc gia bất kỳ. Nhìn vào bức tranh này, các nhà đầu tư nước ngoài có những kỳ vọng rằng với năng lực cạnh tranh như vậy thì Việt Nam có đang là nơi có tiềm năng tạo ra thu nhập tốt cho họ.
Tuy nhiên, theo bà Minh Thảo để nói năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện hay chưa thì phải đi sâu phân tích từng chỉ số. Các chỉ số thành phần có xếp hạng cao nhất của Việt Nam là về quy mô thị trường (tính chung cho thị trường trong nước và thị trường nước ngoài), xếp thứ 31/137; tính hiệu quả của thị trường lao động cũng được đánh giá khá tốt, xếp thứ 57; còn hầu hết các chỉ số khác ở mức trung bình và trung bình thấp.
Có những nhóm chỉ số Việt Nam đang yếu như: Chỉ số về cải cách thể chế, những chỉ số về giáo dục cũng cần phải cải thiện, nhất là giáo dục bậc cao và đào tạo nghề nghiệp vẫn ở vị trí thấp (xếp thứ 84/137), điều đó cho thấy năng lực của người lao động khi tham gia các hoạt động nghề nghiệp còn hạn chế.
Một chỉ số khác vẫn ở mức thấp là mức độ tinh thông trong kinh doanh xếp vị trí 100, do việc sản xuất theo chuỗi kém, nguồn doanh nghiệp cung ứng chưa nhiều, hiệu quả marketing chưa tốt.
Bà Minh Thảo cho biết, về cơ bản, đối với một quốc gia, muốn cải thiện năng lực cạnh tranh phải thực hiện tốt trên tất cả các mặt bởi nếu chỉ cải thiện 1 nhóm chỉ số mà không quan tâm đến các chỉ tiêu còn lại thì sự năng lực cạnh tranh không thể tăng trưởng bền vững.
“Tuy nhiên, khi đưa ra những lựa chọn giải pháp cần có sự phân loại theo thời kỳ ngắn, trung hay dài hạn. Trong ngắn hạn cần tập trung giải quyết ngay những vướng mắc đang gây cản trở cho doanh nghiệp như cải thiện môi trường kinh doanh: Xóa bỏ những điều kiện kinh doanh, những văn bản pháp luật bất hợp lý đang là rào cản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…”
Còn những vấn đề về hạ tầng không thể làm trong một sớm một chiều được mà phải đầu tư trong trung hạn hoặc dài hạn. Tương tự như vậy, bà Thảo cũng cho rằng giáo dục bậc cao cũng không thể có chuyện hôm nay làm ngày mai có sự thay đổi ngay mà cần có quá trình dài hạn hơn.
Theo Thu Hương (Chinhphu.vn)