Chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Bình Định lần thứ IV, nhiệm kỳ 2017 - 2022
Nhiều chuyển biến trong công tác khuyến học, khuyến tài
Toàn tỉnh hiện có 149.860 hộ đạt danh hiệu Gia đình học tập, 185 Ban Khuyến học dòng họ đạt Dòng họ học tập, 159/159 xã, phường, thị trấn có Hội Khuyến học. “Hoạt động khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng trong nhiệm kỳ qua”, TS Huỳnh Ðăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nhìn nhận như vậy trong cuộc trò chuyện với PV Báo Bình Ðịnh.
* Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhiệm kỳ 2012-2017 đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong số đó, ông tâm đắc nhất điều gì, thưa ông?
- Trong nhiệm kỳ qua, các chỉ tiêu đề ra đều được các cấp của Hội Khuyến học tỉnh hoàn thành và vượt chỉ tiêu - bình quân vượt trên 3%, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT của tỉnh. Trong đó, điều tôi tâm đắc nhất, cũng là phương hướng chung mà Đại hội lần thứ III đã xác định là việc cán bộ Hội Khuyến học các cấp, tuy gặp không ít khó khăn nhưng vẫn giữ được lòng nhiệt tình, tâm huyết.
Thật ra, người làm công tác khuyến học không vì quyền lợi cho bản thân mình mà làm vì các đối tượng khó khăn, yếu thế, giúp họ có được điều kiện học tập tốt hơn để nâng cao chất lượng đời sống của mình về sau.
Tôi cho cái tâm của những người làm công tác khuyến học trong thời gian qua là điều rất quý mà sắp tới đây, Hội sẽ ráng giữ cho bằng được và tiếp tục nhân rộng, lan tỏa.
Ông Phạm Hồng Cầu - một doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh quê ở Phù Mỹ - trao học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
* Vậy còn những điều chưa hài lòng là gì, thưa ông?
- Đó là Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh cần sâu sát hơn và tích cực hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho một số đơn vị. Tôi lấy ví dụ như việc một số đơn vị ở cấp huyện chỉ mới có 1 cán bộ chuyên trách, hay cán bộ cấp xã ở một số nơi không có phụ cấp. Hay việc đi kiểm tra cơ sở, dù năm nào Thường trực Hội Khuyến học tỉnh cũng đều xuống 8 - 9 huyện và hơn 10 xã để kiểm tra, hướng dẫn cách thực hiện, nhưng nếu đi được nhiều hơn nữa thì sẽ giúp ích cho các cơ sở nhiều hơn, nhất là trong công tác phát triển hội viên và xây dựng các mô hình học tập.
Có những vấn đề mà Hội Khuyến học tỉnh tham mưu với tỉnh; các ban, ngành, đoàn thể khác tham mưu với lãnh đạo cấp trên của họ có lẽ chưa đến nơi đến chốn nên kết quả khuyến học chưa đạt được như mong đợi.
Một điều nữa mà sắp tới đây, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm làm tốt hơn, đó là sự phối hợp giữa Hội Khuyến học với ngành GD&ĐT và các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Thật ra lâu nay vẫn có phối hợp, liên kết nhưng hiệu quả chỉ mới dừng ở việc ban hành các văn bản chỉ đạo ở cấp tỉnh. Còn ở cấp huyện, cấp xã và quan trọng nhất là cấp thôn thì chưa được như mong muốn.
* Trong nhiệm kỳ qua, các hoạt động khuyến học, khuyến tài trong nhà trường có sự phát triển rất mạnh mẽ. Vậy nhiệm kỳ tới, Hội Khuyến học tỉnh có giải pháp gì để các hoạt động ngoài nhà trường cũng được như vậy, thưa ông?
- Đúng là so với học sinh, sinh viên, việc vận động các đối tượng bên ngoài nhà trường tham gia học tập suốt đời khó hơn. Bởi khi người ta đã tốt nghiệp đại học, đã làm việc được rồi thì thường không có nhu cầu học tập nữa. Dù vậy, mục đích học tập bây giờ khác ngày xưa vì học không chỉ để biết và để làm việc, mà còn để bắt kịp xu thế thời đại. Chẳng hạn, một anh nông dân cũng cần học hỏi và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, một anh kỹ sư vẫn cần cập nhật kiến thức để tránh bị lạc hậu… Biết vậy, hiểu vậy nhưng vận động thế nào để họ chịu học lại là điều không hề đơn giản, cũng không phải một sớm một chiều mà được.
Bởi vậy, để đạt hiệu quả mảng ngoài nhà trường, nhiệm kỳ tới, Hội sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan và tạo những điều kiện thật thuận lợi để mọi người có thể theo đuổi việc học tập đến cùng. Theo tôi, tạo ra chuyển biến ở mảng này không thể trong ngày một ngày hai, mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
* Xin cảm ơn ông!
Những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2012 - 2017:
1. Mạng lưới tổ chức Hội phát triển rộng khắp tại các khu dân cư, dòng họ, cơ quan, trường học, cơ sở tôn giáo… với 2.268 tổ chức trực thuộc cấp xã, 497 tổ chức trực thuộc cấp huyện và tỉnh. Tỉ lệ hội viên đạt 15,6% dân số (vượt chỉ tiêu đề ra 3,6%).
2. Phát huy vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp các lực lượng xã hội để xây dựng xã hội học tập theo chủ trương của Ðảng, đạt kết quả bước đầu trong thực hiện Ðề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 của Chính phủ.
3. Phong trào thi đua “Ðẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình - dòng họ - cộng đồng - đơn vị” và “Xây dựng cộng đồng học tập cấp xã”, năm đầu giai đoạn triển khai nhân rộng 2016 - 2020 được tiến hành đều khắp, đạt kết quả tốt.
4. Tổng giá trị học bổng, khen thưởng, hỗ trợ giáo viên, sinh viên, học sinh do các cấp hội khuyến học cùng các nhà tài trợ thực hiện đạt gần 81,5 tỉ đồng.
NGỌC TÚ (Thực hiện)