Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng: Góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển và ven biển
Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) là tổ chức phi chính phủ của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn hệ sinh thái biển và ven biển, hướng tới vùng ven biển của Việt Nam có hệ sinh thái lành mạnh và chất lượng cuộc sống ổn định cho các cộng đồng ven biển, đặc biệt là những khu vực dễ bị tổn thương nhất. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn bà Thân Thị Hiền, Phó giám đốc MCD, về các hoạt động của MCD tại TP Quy Nhơn.
* Xin bà cho biết vì sao MCD chọn TP Quy Nhơn để thực hiện Dự án (DA) “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương, tỉnh Bình Định”?
- Có thể thấy rằng, vùng ven biển TP Quy Nhơn là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rạn san hô và các loài thủy hải sản. Sinh kế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lợi biển và điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học biển của khu vực ven biển vịnh Quy Nhơn có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển KT-XH của người dân địa phương cũng như cộng đồng cư dân có sinh kế phụ thuộc vào môi trường và nguồn lợi biển và đối với sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực trong tương lai.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trong khu vực này đang suy giảm mạnh cả về sản lượng khai thác và kích cỡ đánh bắt. Nguyên nhân chủ yếu từ việc khai thác quá mức tại vùng ven bờ với các công cụ thô sơ, khai thác tận diệt. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khách quan và chủ quan từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, các hiện tượng thời tiết cực đoan…
Quy Nhơn cũng là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời ở khu vực duyên hải miền Trung, con người/cộng đồng gắn với biển cần được bảo tồn và phát huy giá trị. MCD là tổ chức phi chính phủ của Việt Nam với sứ mệnh “bảo tồn hệ sinh thái biển và nâng cao đời sống của cộng đồng ven biển”. Chính vì vậy, MCD đã có mặt tại Quy Nhơn - Bình Định với DA nói trên.
Các em học sinh tham gia hoạt động làm sạch bãi biển Nhơn Hải do MCD phối hợp tổ chức.
* MCD đã phối hợp với UBND TP Quy Nhơn cùng một số ngành chức năng và các địa phương ven biển của thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển, kết hợp bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, thông qua DA nói trên. Bà có thể cho biết kết quả của DA?
- Trong năm 2016, DA đã hỗ trợ một số mô hình sinh kế tạo thu nhập bổ sung cho hộ gia đình giảm áp lực khai thác ven bờ, trong đó có mô hình bè cảng du lịch (DL) ở xã Nhơn Hải và xã Nhơn Lý, mô hình chăn nuôi kết hợp tại xã Nhơn Hội, mô hình may gia công tại nhà cho nhóm phụ nữ tại xã Nhơn Hải.
Có thể nói, DA đã thúc đẩy và nâng cao năng lực quản lý của địa phương (Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT và các bên tham gia DA) áp dụng tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái, thông qua tập huấn và xây dựng hướng dẫn lập kế hoạch quản lý tại khu bảo vệ biển vịnh Quy Nhơn (gọi tắt là LMMA) và thực hiện đồng quản lý thủy sản tại khu vực (phối hợp Chương trình phát triển nguồn lợi ven bờ - CRSD/do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ).
DA hỗ trợ giám sát và đánh giá nguồn lợi biển, hệ sinh thái rạn san hô có sự tham gia của cộng đồng; nâng cao nhận thức và xây dựng các sáng kiến bảo tồn tại các xã LMMA Quy Nhơn. Đặc biệt khi nguồn lợi biển và hệ sinh thái rạn san hô ngày càng có giá trị cho phát triển DL của địa phương, sự tham gia và vai trò của cộng đồng phối hợp với chính quyền và các bên cần được phát huy và nâng cao.
* Được biết, MCD đang tiếp tục phối hợp thực hiện giai đoạn 2 của DA, vậy các hoạt động chính của giai đoạn 2 như thế nào?
- Giai đoạn 2 (2017 - 2019) của DA sẽ tập trung một số hoạt động chính: Nâng cao năng lực thể chế và chính sách quản lý nguồn lợi biển. Ở cấp Trung ương, MCD hỗ trợ và đóng góp tham vấn chính sách liên quan Luật Thủy sản sửa đổi (trong đó có 2 nội dung: đồng quản lý và khu bảo tồn biển). Ở cấp địa phương, MCD phối hợp UBND thành phố/Hội đồng điều hành liên xã LMMA và các cơ quan của tỉnh/thành phố xây dựng quy chế quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học LMMA, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực thi và giám sát quy chế quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Tăng cường phục hồi hệ sinh thái và phát triển sinh kế bền vững. MCD sẽ tập trung các mô hình sáng kiến của cộng đồng (thanh niên, phụ nữ) và kết nối các doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết phát triển DL cộng đồng, nâng cao nhận thức và giáo dục bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô. Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy nhân rộng mô hình quản lý, hỗ trợ kết nối các khu bảo tồn biển trong nước và khu vực Đông Nam Á.
* Bà hy vọng điều gì khi kết thúc DA tại TP Quy Nhơn, thưa bà?
- MCD hy vọng DA sẽ hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho các nhà quản lý và các bên liên quan: phương pháp tiếp cận và thực hành sáng kiến, xây dựng quan hệ hợp tác và phối hợp giữa các bên (chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội/tổ chức phi chính phủ), tăng cường công tác bảo tồn nguồn lợi kết hợp phát triển sinh kế bền vững, hài hòa các giá trị và lợi ích hệ sinh thái rạn san hô và đa dạng sinh học mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quy Nhơn - Bình Định.
* Xin cảm ơn bà!
DA “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương, tỉnh Bình Ðịnh” nhằm góp phần phát triển sinh kế bền vững, cải thiện và đa dạng nguồn thu nhập hộ gia đình cho người dân vùng ven biển. Ðây là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của cộng đồng vào hệ sinh thái, giúp giảm khai thác quá mức và góp phần phục hồi hệ sinh thái. DA đã hoàn thành giai đoạn 1 (1.2016-12.2016) và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 (2017-2019). DA được tài trợ bởi Quỹ ADM Hồng Kông và được thực hiện bởi MCD và các đối tác tỉnh Bình Ðịnh.
BÙI LỢI (Thực hiện)