Phụ nữ và nguy cơ trầm cảm
Nhịp sống hiện đại với áp lực từ nhiều phía, khiến căn bệnh trầm cảm như cơn sóng ngầm luôn đe dọa không chỉ người bệnh mà còn gây hệ lụy cho gia đình, xã hội. Phụ nữ có nguy cơ trầm cảm cao gấp đôi nam giới, nhưng rất nhiều người không hiểu hoặc chưa hiểu đúng căn bệnh này.
Hiện chỉ khoảng 1/5 số nữ giới bị bệnh trầm cảm được điều trị trầm cảm và có thể điều trị được. Ảnh minh họa
Khó phát hiện
Ngoài yếu tố di truyền, phụ nữ ngày nay rất dễ trầm cảm sau sinh con, lập gia đình, thay đổi công việc, môi trường sống hoặc giai đoạn tiền mãn kinh... Chị N.T.V, 26 tuổi, (phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn), con gái mới 10 tháng tuổi nhưng chị lại không thể gần gũi chăm con mà đang phải điều trị bệnh tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Mẹ chị V. kể: “Từ khi sinh con, con gái tôi thay tính đổi nết, cứ nhớ nhớ, quên quên. Tôi nghĩ trí nhớ nó kém do ảnh hưởng của việc sinh nở nhưng càng ngày nó càng cáu gắt, hay nói lảm nhảm. Sau đó, nó bị ám ảnh là có người sẽ giết nên tôi lo sợ dẫn con đi khám bệnh. Bác sĩ cho biết, con gái tôi mắc bệnh trầm cảm sau sinh và phải điều trị... Có lẽ áp lực phải có con trai đã làm nó ra nông nỗi này”.
Theo bác sĩ CKII Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, phụ nữ mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nam với tỉ lệ 5:1. Nguyên nhân hàng đầu là do nữ giới thường bị mất cân bằng cuộc sống. Nữ giới có gia đình bị trầm cảm nhiều hơn độc thân, trầm cảm thường gặp ở những người mẹ trẻ ở nhà với con nhỏ.
Trầm cảm là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong tâm thần học do tự sát và suy kiệt; 50% số bệnh nhân tử vong do tự tử là vì trầm cảm.
Gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ khá nhiều bức thư của người chồng trẻ (24 tuổi) về nguyên nhân dẫn đến cái chết của vợ là do sự vô tâm của mình. Ngày hay tin vợ uống thuốc trừ sâu chết, anh và gia đình đã oán hận chị dại dột, bỏ con nhỏ ra đi trong khi gia đình nội, ngoại hết lòng thương yêu, chăm sóc, lo lắng cho chị. Sau này, tìm được những cuốn nhật ký của chị, anh mới biết vợ bị trầm cảm nặng vì nghĩ từ khi sinh con, chồng không quan tâm đến mình. Ngày nào, chị cũng ghi lại những việc làm vô tâm của anh như đi làm về chỉ chơi với con rồi ôm điện thoại, chơi điện tử. Chị nghĩ mình không là gì với anh nữa, đến sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới anh cũng quên nên chết đi cho xong.
Có nhiều bệnh lý trầm cảm hay gặp ở phụ nữ, đáng chú ý là “rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm” (người bệnh thường than vãn mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, lo lắng nhiều, chán nản...), chính điều này làm họ không biết mình bị trầm cảm. Đặc biệt có bệnh lý trầm cảm sau sinh, và người ta ước lượng có 80% phụ nữ có thể có một vài triệu chứng trầm cảm trong giai đoạn trước hoặc sau sinh, nếu không được phát hiện kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ lẫn con.
Vai trò của gia đình
Trầm cảm là bệnh tâm lý làm suy giảm khả năng nhận biết, vận động, khiến cho người bệnh luôn ở trong trạng thái bế tắc, dễ suy sụp. Chị Trần Thị Khánh Ly, 55 tuổi (phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn), kể: “Lúc đầu, tôi cảm giác như bị tiền đình, đau đầu, chóng mặt, mỏi nhức chân tay rồi ngộp thở như đau tim. Đi khám bệnh nhiều lần mà không phát hiện được bệnh gì. Đến lúc không ngủ được, cảm giác cô độc, đau khổ rồi hay lảm nhảm mới đi khám ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Có lẽ tôi bị cú sốc lớn khi con gái đi lấy chồng đúng thời điểm nghỉ hưu. Chồng và gia đình đã cố gắng chữa bệnh, chăm sóc tôi. Con gái dù lấy chồng xa cũng thu xếp về chơi với tôi cả tháng”.
Bệnh trầm cảm gồm 3 giai đoạn: nhẹ, vừa và nặng. Trong đó, giai đoạn đầu rất khó phát hiện. Nhiều trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu đau khắp cơ thể, chóng mặt, đau đầu, đau khớp, đau tim... nhưng đến các bệnh viện đa khoa chụp chiếu không phát hiện được bệnh, chữa mãi không khỏi nhưng vẫn không chấp nhận việc tìm đến các bệnh viện tâm thần. Vì vậy, hầu hết bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm thì bệnh đã ở mức nặng. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị trong thực tế còn thấp do phần đông còn thiếu kiến thức cũng như có định kiến với loại bệnh này.
Bác sĩ Châu Văn Tuấn cho biết: “Chẩn đoán và điều trị sớm trầm cảm là rất quan trọng để tránh các vấn đề rắc rối trong hôn nhân hoặc gia đình, cũng như tránh kết cuộc bi thảm của trầm cảm. Những bệnh nhân trầm cảm thường vừa dùng thuốc chữa trị, vừa hỗ trợ tâm lý và rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình. Hiện nay, chỉ khoảng 1/5 số nữ giới bị bệnh trầm cảm được điều trị và có thể điều trị được. Các kỹ thuật xử lý stress đều đặn (các liệu pháp tâm lý), kết hợp với tập thể dục thường xuyên cũng có thể được sử dụng”.
Để phòng tránh và khắc phục chứng trầm cảm, mỗi phụ nữ cần biết chăm sóc bản thân, lựa chọn lối sống lành mạnh, tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích; không tự gây áp lực cho mình. Dành thời gian cho bản thân, có thể ra ngoài thư giãn. Người đàn ông muốn giúp vợ thoát khỏi trầm cảm, chán nản cần ở bên hỗ trợ vợ, để người phụ nữ có cảm giác mình được hiểu, được chia sẻ.
HẢI YẾN