Một người giàu nhiệt tâm với cồng chiêng
Tôi đến làng Kon TơLok, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh lúc nơi này đang chuẩn bị diễn ra Chương trình giao lưu các CLB cồng chiêng thanh niên năm 2017, do Hội LHTN Việt Nam 3 xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp phối hợp tổ chức.
Ông Đinh Kim đang luyện tập các bài cồng chiêng cho thanh niên xã Vĩnh Thịnh tại nhà mình.
Tôi đặc biệt ấn tượng với một cụ ông vóc người nhỏ nhắn đang bận rộn chuẩn bị cho buổi giao lưu. Đó là ông Đinh Kim, 77 tuổi, nghệ nhân nhạc cụ dân tộc Bana, là nhân tố tích cực trong bảo tồn văn hóa cồng chiêng của đồng bào Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh.
“Ông Ðinh Kim là người tâm huyết, nắm giữ và truyền dạy được cồng chiêng cho lớp trẻ là điều đáng quý. Chính quyền các cấp ở địa phương nên có sự quan tâm động viên để ông có đủ điều kiện, sức khỏe để tiếp tục cống hiến, bảo tồn văn hóa dân tộc Bana nói riêng và văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung”.
Ông NGUYỄN AN PHA, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh
Từ 3 năm trước, ông Đinh Kim bắt đầu việc truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thanh niên, khởi đầu từ làng M2, xã Vĩnh Thịnh, nơi ông sinh sống. Để có học trò mà dạy, ông lặn lội đến từng nhà thuyết phục thanh niên, giảng cho họ cái hay cái đẹp của văn hóa cồng chiêng. Một mình kiên trì như vậy, dần dà khá nhiều thanh niên trong vùng đã thành học trò ông.
“Ban đầu lũ nhỏ không chịu nghe tôi, chúng nó cứ bấm điện thoại miết. Tôi nói với chúng nó rằng thanh niên mà không biết chơi cồng chiêng thì bỏ. Riết rồi chúng nó tin mình. Cũng có đứa chịu học vì thương ông già lặn lội khổ quá, rồi sau nó ham học vì chính nó thích. Và bây giờ, đã có những đứa thể hiện được khả năng và sẽ còn tiến xa. Tôi phấn khởi lắm” - ông Đinh Kim tâm đắc.
Không chỉ dừng lại ở làng M2, ông Kim còn tiếp tục mở rộng công việc truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên ở các làng khác trong xã bằng hình thức thành lập các CLB. Cùng với việc dạy cồng chiêng, ông còn xây dựng đội múa đi cùng mỗi đội cồng chiêng. Sắp tới, ông sẽ lần lượt sang những xã khác để vận động thanh niên học đánh cồng chiêng, trước tiên là ở Vĩnh Thuận.
“Bok Kim là người rất nhiệt tình và trở thành người truyền cảm hứng để lớp trẻ chúng tôi đến với văn hóa cồng chiêng” - anh Đinh Văn Minh, một thành viên trong đội cồng chiêng làng M2 tâm sự.
Còn ông Yang Danh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Bình Định, chia sẻ: “Ông Đinh Kim là người nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc mình. Ông ấy là một hạt nhân tốt đẹp gây dựng phong trào văn hóa cơ sở ngày càng vững mạnh và trở thành người thấu hiểu, gần gũi với thanh niên”.
Ánh mắt ông Đinh Kim rạng rỡ và đầy vẻ tự hào khi nói về văn hóa cồng chiêng. Ông cho biết: “Ta phải giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc mình, cồng chiêng là quan trọng lắm! Chơi cồng chiêng cũng là cách để luyện tai, luyện khả năng cảm thụ âm nhạc, nó giúp con người tránh xa những thói xấu”.
THẢO KHUY