Ðừng gọi nhà sinh hoạt cộng đồng là nhà rông
Việc gọi những ngôi nhà phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng (được xây dựng bằng kinh phí Nhà nước) ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh là “nhà rông”, “nhà rông văn hóa” là chưa phù hợp và xét về lâu dài có thể gây ra ngộ nhận đáng tiếc.
Ngày càng hiếm dần nhà rông kiểu truyền thống như ở làng Kà Bông, xã Canh Liên.
Trong chương trình Giao lưu các mô hình hoạt động làng, thôn, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh năm 2017, làng văn hóa Đắk Đưm, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh có tham luận trình bày về “Xây dựng làng văn hóa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa trong cuộc sống hiện nay”, trong đó khẳng định:“Nhà rông truyền thống được xây dựng khang trang, tuy có cách tân nhưng vẫn mang kiểu nhà truyền thống phát huy nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng”.
Ðó không phải là nhà rông!
Để kiểm chứng, ngày 27.9 vừa qua, chúng tôi đến nhà rông làng Đắk Đưm. Nhà rông này được xây dựng từ năm 2014, có gắn tấm biển nêu rõ chủ đầu tư là UBND thị trấn Vân Canh, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công đều là các công ty, doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, nhìn nhà rông này, tôi thấy khó có thể gọi là nhà rông của đồng bào Bana, dù là nhà rông cách tân hay là nhà rông văn hóa mới.
“Nhà rông là một trong năm cái chung cơ bản của các làng Bana ở huyện Vĩnh Thạnh nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Mỗi nhà rông truyền thống ngày xưa là công sức tập thể dân làng đóng góp nên, là nét đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Bana!”
Nhà nghiên cứu YANG DANH
Vì lẽ, ngoài một số ít chi tiết trang trí na ná nét truyền thống của người Bana, thì về kiểu dáng đã là một sự xa lạ chứ không phải là cách tân nhiều: Ngôi nhà này có hành lang bên ngoài bao quanh (nhà rông Bana không có); sàn nhà được lát gạch men bóng loáng, vật liệu chính xây nhà là bê tông, gạch ngói… Có lẽ nên gọi đó là “nhà sinh hoạt cộng đồng” hơn là “nhà rông”.
Nhà rông làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh có kinh phí đầu tư đến 1,2 tỉ đồng từ Chương trình 135 của Chính phủ, vừa được khánh thành vào đầu tháng 7.2017. Gọi là nhà rông nhưng công trình này cũng làm bằng bê tông xi măng, tương đối giống cái ở làng Đắk Đưm.
Đến đây lại nảy sinh một vấn đề rất đáng lưu ý. Phần lớn cư dân ở làng Hiệp Hội là đồng bào Chăm H’roi. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, tiêu biểu như “Văn hóa người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định” của Nguyễn Xuân Nhân - Đoàn Văn Téo (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản năm 2011), thì cộng đồng Chăm H’roi chỉ có các kiểu nhà sàn chứ không có nhà rông… Dù sự giao thoa văn hóa giữa người Chăm và người Bana ở Vân Canh khá nhiều, nhưng như đã nói, đồng bào Chăm H’roi không có thiết chế nhà rông. Vì lẽ đó mà tại các làng Chăm H’roi ở huyện Vân Canh mà chúng tôi có dịp đến - như làng Hòn Mẻ ở xã Canh Thuận, làng Kà Xim xã Canh Hòa - đều chỉ xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng theo kiểu dáng nhà sàn truyền thống của người Chăm H’roi, chứ không làm nhà rông như ở làng Hiệp Hội.
Nhà rông làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh.
Ðừng gây hiểu nhầm
Rất may mắn là ở Vân Canh không phải làng nào cũng làm nhà rông như cách mà Đắk Đưm, Hiệp Hội đã làm. Đồng bào Bana ở làng Kà Bông, xã vùng cao Canh Liên tự nguyện cùng chung tay đóng góp tiền, công sức để dựng nên nhà rông làng với hệ thống cột, xà, sàn vách, cầu thang, những chi tiết chạm khắc hoa văn phần lớn giữ đúng theo truyền thống.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, nơi có nhiều làng, nhiều người dân tộc Bana nhất tỉnh, hệ quả của việc dựng nhiều nhà rông cách tân từ cách đây nhiều năm đến nay khó có thể còn tìm được nhà rông theo đúng nguyên bản. Cách đây 6 năm, trước thực trạng huyện Vĩnh Thạnh có quá nhiều nhà rông bê tông, tôi đã rất vui mừng khi tìm được nhà rông ở làng M2, xã Vĩnh Thịnh - ngôi nhà rông hiếm hoi còn giữ đúng nguyên bản truyền thống. Vài tháng, khi đi thăm lại nhà rông này, tôi chết lặng trước ngôi nhà khang trang, hoành tráng hơn, nhưng đã không còn giống nhà rông truyền thống trước đây, đáng lẽ cần được gìn giữ…
Đáp ứng nhu cầu phải có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của dân cư địa phương là tốt. Tuy nhiên việc chính thức định danh các thiết chế này là “nhà rông”, “nhà rông văn hóa”, “nhà rông cách tân”… là không nên. Nhà rông được dựng lên theo cung cách truyền thống đã không còn hoặc còn rất ít. Nếu không thể duy tu, bảo dưỡng, không thể phục chế hoặc tái dựng như cách mà bà con ở làng Kà Bông đã làm thì cũng đừng gọi các công trình bê tông kể trên là “nhà rông”. Không có gì sai, không có gì xấu khi gọi các công trình đó là nhà văn hóa làng, nhà sinh hoạt cộng đồng. Gọi như vậy còn tránh gây ra những hiểu lầm đối với người dân, du khách hôm nay, mà lâu dài về sau còn có thể khiến cả thế hệ mai sau ngộ nhận về nhà rông.
HOÀI THU