Phối hợp quản lý, giáo dục thanh thiếu niên: Chuyển biến tích cực
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2012/NQLT giữa Bộ CA và Hội LHPN Việt Nam về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, trong giai đoạn 2012- 2017, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hiệu quả, thiết thực, góp phần làm chuyển biến tích cực tình hình ANTT tại địa phương.
Việc tuyên truyền pháp luật và vận động các gia đình tuân thủ pháp luật, giáo dục con em không vi phạm các tệ nạn xã hội được các cấp hội phụ nữ quan tâm tổ chức.
- Trong ảnh: Tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
“Mỗi khi cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ được một thanh thiếu niên hư trở nên tiến bộ, chúng tôi rất vui. Chúng tôi luôn tâm niệm, tham gia tích cực vào công tác này sẽ góp phần vào việc giữ gìn ANTT trên địa bàn; nhiều gia đình sẽ bớt buồn phiền về con cái hư”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 do Ban chỉ đạo 138 tỉnh tổ chức mới đây.
Thời gian qua, để có các biện pháp phù hợp quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, các hội phụ nữ cơ sở đã chủ động phối hợp với lực lượng CA địa phương khảo sát và lập danh sách thanh thiếu niên hư hoặc có dấu hiệu hư hỏng ở trường học và địa phương. Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ đã vận động quần chúng cung cấp trên 15.700 tin tố giác tội phạm; giúp điều tra, khám phá hơn 3.080 vụ án hình sự, triệt xóa 307 ổ nhóm tội phạm… Các cấp hội phụ nữ còn phối hợp với các ngành chức năng giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; tham gia hòa giải hàng trăm vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, quyền lợi trẻ em, mâu thuẫn gia đình..., trong đó tỉ lệ hòa giải thành công đạt gần 80%.
Việc xây dựng các mô hình câu lạc bộ được các cấp hội quan tâm và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện toàn tỉnh có 366 mô hình đang hoạt động, trong đó có một số mô hình hoạt động hiệu quả như “khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “dòng tộc không có tội phạm”, mô hình “gia đình không có trẻ em vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội và bỏ học” (Tây Sơn)… đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình ANTT tại các địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn bạc tìm giải pháp cụ thể để triển khai Nghị quyết liên tịch 01 hiệu quả hơn. Đại tá Lê Đức Nam, Phó Giám đốc CA tỉnh, nhìn nhận: “Công tác nắm tình hình thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật trong từng khu dân cư được lực lượng CA các cấp đặc biệt quan tâm; bên cạnh đó, việc nhận cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phối hợp vẫn còn những hạn chế như việc thực hiện chưa thường xuyên, còn chậm và công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức. Do đó, hai ngành CA và phụ nữ cần tăng cường hơn nữa trong phối hợp thực hiện đổi mới hình thức và nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT”.
Còn bà Từ Thị Phụng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết, để việc thực hiện Nghị quyết đi vào thực chất và hiệu quả, các cấp hội sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể liên quan phát huy hiệu quả của các mô hình phòng chống tội phạm, các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, phụ nữ với pháp luật… để nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho phụ nữ. Từ đó, chị em có thể cung cấp nhiều nguồn tin tố giác tội phạm có giá trị cho lực lượng CA, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn ANTT tại cơ sở.
K.ANH