KỶ NIỆM 65 NĂM ÐOÀN TUỒNG LIÊN KHU V - NHÀ HÁT TUỒNG ÐÀO TẤN
Tận lực cho sứ mệnh vẻ vang
Nhìn lại chặng đường đã đi 65 năm qua (1952 - 2017), Ðoàn tuồng Liên khu V trong kháng chiến - Nhà hát tuồng Ðào Tấn (NHTÐT) ngày nay luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó: khai thác, bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc.
Một cảnh trong vở Diễn Võ Đình do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn. Ảnh: TRẦN SỰ
Giai đoạn cao trào của cuộc kháng chiến chống Pháp, sau Chỉ thị của Trung ương Đảng “về phục hồi vốn cổ dân tộc”, tháng 4.1952, Thường vụ Khu ủy khu V quyết định thành lập Đoàn tuồng Liên khu V (gọi tắt là Đoàn) làm đơn vị điển hình, nhằm phục hồi, phát triển ngành nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc.
Nhiệm vụ vinh quang
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Đoàn tập kết ra Bắc, đến với nhân dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đồng hành 21 năm cùng đất nước trong kháng chiến chống Mỹ. Trong khi hoạt động nghệ thuật phục vụ kháng chiến, 4 nghệ sĩ của Đoàn đã hy sinh: Lê Cường (nhạc sĩ), Cao Đình Cựu (diễn viên), Phạm Văn Điền (diễn viên), Trần Đình Ân (nhạc công).
Tháng 6.1976, Đoàn được bàn giao về đứng chân tại Bình Định, tiếp tục sứ mệnh trên “chiếc nôi của nghệ thuật tuồng”, với tên gọi mới là Đoàn tuồng Nghĩa Bình, sau đổi thành NHTĐT (1988).
Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sự ra đời của Đoàn tuồng Liên khu V được xem là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật tuồng, khẳng định tuồng là một bộ phận không thể thiếu của nền văn hóa dân tộc.
Trong các đơn vị tuồng miền Trung, tôi thích chất tuồng văn của Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh (Ðà Nẵng), chất hoạt bát, giàu cảnh sắc của Nhà hát Khánh Hòa. Còn Nhà hát Ðào Tấn cho tôi ấn tượng của một đơn vị vững vàng về kỹ xảo, đều tay cả văn lẫn võ, cả hát lẫn múa. Nhà hát cho tôi nhận thấy họ không chỉ có vốn liếng nghề Tổ do các nghệ nhân danh tiếng truyền lại mà còn có những hiểu biết về khoa học sân khấu nói chung
GS.TS - NSND ÐÌNH QUANG
Hai tháng sau khi thành lập, 9 thành viên ban đầu của Đoàn đã ra mắt đêm diễn đầu tiên tại Hà Đông (thuộc huyện Hoài Ân) - vở “Tam nữ đồ vương”, được quần chúng đón nhận nhiệt liệt. Quá trình biểu diễn phục vụ nhân dân cũng là quá trình thức tỉnh phong trào tuồng ở Bình Định và miền Trung, đồng thời tập hợp thêm lực lượng cho Đoàn với nhiều nghệ sĩ danh tiếng của các tỉnh ở khu V.
Ngay từ những ngày đầu, Đoàn đã sớm hòa nhập cuộc sống kháng chiến kiến quốc, nhanh chóng tìm được cảm hứng sáng tạo nghệ thuật để hướng vào phản ánh hiện thực mới. Đó là “cuộc tái sinh mầu nhiệm” của đất nước và con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Các tác phẩm sân khấu ra đời trong giai đoạn lịch sử ấy, đều bám sát hơi thở cuộc sống, từ tâm nguyện quần chúng, phản ánh kịp thời diễn biến của cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Tiếp đó, hơn 21 năm hoạt động nghệ thuật ở miền Bắc, Đoàn đã đặt chân tới hầu khắp mọi nơi: từ địa đầu Móng Cái xa xôi đến tận giới tuyến Vĩnh Linh rực lửa. Sự trưởng thành của một đơn vị nghệ thuật cũng như đội ngũ nghệ sĩ được khẳng định, bằng chứng là những giải thưởng cao quý tại các kỳ hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn miền Bắc: HCV cho các vở: “Lam Sơn khởi nghĩa” (1958), “Ngọn lửa Hồng Sơn” (1960); HCB cho các vở: “Trần Bình Trọng” (1962), “Những người con” (1965)… Mặt khác, ngay từ giai đoạn còn ở miền Bắc, Đoàn đã thành lập Ban Nghiên cứu tuồng, phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng.
Trên “chiếc nôi của tuồng”
Sau giải phóng, đất tuồng Nghĩa Bình - Bình Định tiếp nhận hơn một nửa lực lượng nghệ sĩ, cán bộ chủ chốt của Đoàn tuồng Liên khu V. Như giống tốt gặp phù sa, hợp cùng nguồn lực nghệ sĩ địa phương, có thể nói Đoàn đi vào giai đoạn rực rỡ nhất.
Bên cạnh tập hợp, phát triển về lực lượng và tổ chức biểu diễn hiệu quả, định hướng phát triển nghệ thuật được chú trọng nghiên cứu. Nhất là các vấn đề thống nhất quan niệm về khai thác, kế thừa vốn cổ; phương thức cách tân nghệ thuật để phù hợp với cuộc sống mới và nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ cho người xem...
Theo đó, nhiều vở tuồng thuộc các đề tài khác nhau, nhất là về phong trào Tây Sơn gắn liền với hình ảnh anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, được phục hồi và dàn dựng mới. Đặc biệt, lần đầu tiên hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện thành công trên sân khấu tuồng (vở “Sáng mãi niềm tin”).
Danh xưng mới - NHTĐT- như một sự định hướng, nhắc nhớ về việc giữ gìn, phát huy những giá trị nghệ thuật quý báu của cha ông. Ý thức sâu sắc điều đó, nhiều vở tuồng tiêu biểu, mẫu mực của Đào Tấn đã được đơn vị này khai thác, phục hồi và nâng cao…
Nhìn lại chặng đường 65 năm, điều tự hào nhất là các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ từ Đoàn tuồng Liên khu V đến NHTĐT đã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, tạo dựng nên nhiều hình tượng anh hùng cách mạng trên sân khấu truyền thống, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.
* Ðịa bàn hoạt động biểu diễn của NHTÐT không chỉ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn đến với nhiều quốc gia trên thế giới: Lào (1982), Liên Xô - Ba Lan - Tiệp Khắc (1983), Tây Ðức - Pháp - Bỉ - Italia (1984), Campuchia (1985 và 1997), Êtiônia (1989), Anh (2000), Ðức (2002), Hàn Quốc (2016).
* Giai đoạn 2012 - 2017, NHTÐT đã phục hồi, nâng cao và xây dựng mới các vở: “Chung Vô Diệm”, “Cổ miếu vãn ca”, “Sao Khuê Trời Việt”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Tam hùng kiệt”, “Phụng Kỳ soán Ðế”, “Ánh sáng tình yêu”, “Sóng dậy Rạch Gầm”, “Bông mai đỏ”, “Nước non cửa Phật”.
* Trong 5 năm qua, NHTÐT đã đạt nhiều thành tích ở quy mô toàn quốc: 2 HCV, 4 HCB tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013; 3 HCV, 2 HCB, 3 bằng khen tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - năm 2016; 3 HCV, 5 HCB và 1 giải Nhạc sĩ xuất sắc tại Liên hoan nhạc cụ truyền thống toàn quốc các năm 2012, 2014 và 2017; 2 HCV, 4 HCB, 2 giải Diễn viên trẻ xuất sắc và 3 bằng khen tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc các năm 2014, 2017; 3 giải Vàng, 3 giải Bạc cá nhân và tập thể đạt giải “Vở diễn xuất sắc” tại Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ năm 2015.
SAO LY
ÐÀO DUY KIỀN- SAO LY