Hiện đại hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả… là những mục tiêu chính của Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 được Chính phủ ban hành mới đây.
Đổi mới hình thức PBGDPL là yêu cầu quan trọng được đặt ra trong tình hình mới.
Ngày 27.9, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo bà Hồ Mỹ Ngọc Chân - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp), Kế hoạch đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL ở địa phương.
* Lâu nay, nhân lực làm công tác PBGDPL vẫn được coi là một khâu còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tình trạng này sẽ được quan tâm, giải quyết như thế nào, thưa bà?
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Kế hoạch thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 đặt ra là kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL; quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm công tác PBGDPL biết tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh và cấp huyện trong tư vấn, xác định mục tiêu, hoạt động và điều phối nguồn lực.
Để thực hiện đạt các mục tiêu đó, quan trọng là phải đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật, người được mời tham gia công tác PBGDPL. Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, tập huấn phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)…
* Không chỉ với đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, ứng dụng CNTT cũng là yêu cầu đặt ra đối với quá trình hiện đại hóa hình thức PBGDPL…
- Đúng vậy. Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; xây dựng, tổng kết, nhân rộng các mô hình có hiệu quả đã và đang được triển khai thực hiện. Ưu tiên thực hiện PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới thông tin cơ sở, họp báo, thông cáo báo chí, đối thoại chính sách pháp luật và trong hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Đặc biệt, phải ứng dụng mạnh mẽ CNTT, kỹ thuật số trong triển khai các hoạt động PBGDPL, ưu tiên hình thức trực tuyến thông qua tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật qua điện thoại, mạng xã hội, cổng thông tin/ trang thông tin điện tử… Muốn vậy, phải nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiện ích của CNTT, viễn thông trong hoạt động PBGDPL với định dạng phù hợp, tương thích với các dịch vụ thư điện tử, mạng xã hội, cổng thông tin/ trang thông tin điện tử. Khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và các cơ sở dữ liệu pháp luật khác theo quy định; hướng dẫn khai thác và sử dụng hiệu quả thông tin trên cổng thông tin điện tử PBGDPL do Bộ Tư pháp vận hành, quản lý.
* Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật trong độ tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Rõ ràng, công tác PBGDPL trong nhà trường cần được quan tâm nhiều hơn…
- Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ rất quan trọng. Thời gian tới, công tác bồi dưỡng, tập huấn, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân, môn pháp luật sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy pháp luật chính khóa, hoạt động ngoại khóa theo hướng ưu tiên kỹ năng thực hành, kỹ năng sống để phát huy tính chủ động, sáng tạo cho người học; xây dựng bài giảng điện tử, các mô hình trực quan, tình huống pháp lý thực tiễn trong giảng dạy. Ngoài ra, cần hướng dẫn áp dụng các tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập môn pháp luật, giáo dục công dân theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.
* Xin cảm ơn bà.
Một số mục tiêu cụ thể của Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021:
- Phấn đấu 90% - 100% các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc cho cán bộ, công chức, viên chức có nội dung phổ biến, cập nhật thông tin về chính sách pháp luật mới ban hành được tổ chức định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật.
- Phấn đấu hàng năm có từ 80% trở lên báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy môn pháp luật được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia PBGDPL theo yêu cầu nhiệm vụ.
- Phấn đấu 100% các nhà trường đều triển khai PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật theo quy định.
- Phấn đấu 70% - 90% đối tượng đặc thù được PBGDPL chuyên biệt theo quy định của pháp luật.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)