Vẫn còn ở phía trước !
Đầu tuần vừa qua, Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 đã diễn ra tại Đà Nẵng với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”. Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế và hơn 400 lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước.
Mục tiêu của Diễn đàn lần này là nhằm đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao góp phần thúc đẩy tạo đột phá phát triển vùng Duyên hải miền Trung, tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng bền vững.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một trong những kết quả quan trọng đạt được trong liên kết vùng là nội lực tự vươn lên của miền Trung rất lớn, nhất là trong phát triển du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể kinh tế miền Trung định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt 2014, nêu rõ kinh tế miền Trung định hướng đến 2030 tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước và Đông Nam Á.
Chủ trương của Bộ Chính trị trong Nghị quyết về Phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn thì miền Trung là trọng điểm của trọng điểm. Cơ cấu kinh tế của miền Trung 40% là du lịch và dịch vụ. Nông nghiệp còn đến 28% của cả nước, hiện nay còn 15-16%. Đặt vấn đề “Từ cơ cấu này, tính toán xem du lịch và dịch vụ tới đây phát triển như thế nào?”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gợi mở: “Vùng miền Trung của chúng ta phát triển theo hiện đại, không gian đô thị gắn với biển, khu Chu Lai là hạt nhân của vùng, Quy Nhơn phải trở thành trung tâm du lịch thương mại”.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến tại diễn đàn thì mặc dù đã có nhiều bước phát triển mang tính đột phá, nhưng cho đến nay du khách đến du lịch miền Trung chủ yếu đi tắm biển, nên giá trị gia tăng du lịch rất thấp. Do đó, nếu xác định du lịch là quan trọng nhất, thì điều tiên quyết là cần phải có chương trình, tạo điều kiện miền Trung làm đề án lớn tầm cỡ quốc gia để du lịch miền Trung thành mũi nhọn.
Từ gợi mở nói trên của lãnh đạo chính phủ, liên hệ với thực tế phát triển của kinh tế Bình Định mấy năm gần đây, chúng ta có thể thấy việc định hình phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là mũi nhọn kinh tế của địa phương trong những năm tới là một định hướng hết sức đúng đắn. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh vừa liên kết, hợp tác vừa phải nỗ lực “vượt lên chính mình” trong cuộc đua tăng tốc phát triển giữa các địa phương trong vùng, để du khách đến với Quy Nhơn - Bình Định không chỉ để... tắm biển, thì còn rất nhiều việc phải làm.
Vì thế, đích đến “Quy Nhơn phải trở thành trung tâm du lịch thương mại” như định hướng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vẫn là mục tiêu đang còn ở phía trước.
H.Đ