“Qua cái khổ”
Trong trí nhớ của tôi, canh khổ qua là một món quá sức khó ăn. Đắng nghét. Hình như nó không dành cho bọn nhỏ. Một lần ăn giỗ, tôi nghe người lớn nói rằng, ăn khổ qua cho nó qua cái khổ. Thì ra là thế. Người dân miền Trung lại thích ăn cay, cái cay đánh lừa vị giác. Nên canh khổ qua cho vài trái ớt vô thì phải nói là “cay đắng”. Nếu không bằng ớt thì có thể bằng tiêu. Nước rất trong, với màu xanh tinh khiết, nồi đang sôi thì hương vị càng hấp dẫn. Sau này, tôi mới biết thêm món khổ qua nấu với chả cá thác lác. Ngon tuyệt.
Chả cá thác lác viên tròn. Khổ qua có khi là khổ qua rừng, có khi là khổ qua thường, hình tròn, xắt lát vừa phải hoặc mỏng. Mùa nóng bức, chỉ cần nhìn màu xanh mát trong tô thôi là đã có hứng thú thưởng thức rồi. Giữa những món chiên, những món dầu mỡ, cá thác lác nấu khổ qua đúng là một điểm nhấn. Bởi thế gần đây trong các bàn tiệc lớn nhỏ, người ta vẫn thường ưu tiên chọn món này.
Nếu hình dung, từng lát cắt nhỏ khổ qua, từng màu xanh mát ngấm trong cái nhìn. Và hình dung lúc mệt mỏi, húp một chén canh khổ qua, nghe vị đắng nhè nhẹ, nghe hương cá thơm với tiêu, hành thì cũng như những tháng năm mệt mỏi sẽ dần qua, vị đắng ban đầu sẽ trở nên đằm đằm dễ chấp nhận. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ ghiền vị đắng, vị cay bởi những món chua mặn ngọt đánh lừa vị giác quen thuộc. Dần dà có lúc bạn sẽ chọn những món đắng, cay, nóng không như những ngọt ngào thường thấy. Có lẽ vì thế nên món canh này thường dùng để giải nhiệt, bớt nóng bức, mệt mỏi, lại còn thấy ấm cổ họng, mát trong người.
Kỳ công để làm một món ăn, nhưng nếu đáp ứng đầy đủ các phương diện của món ăn, vừa ngon, mát, lạ miệng lại vừa thích nhìn thì sao lại không chọn. Nếu đã quen thuộc với món canh khổ qua nhồi thịt hay khổ qua với trứng thì canh khổ qua với cá thác lác cũng đủ vị, đủ chất không kém. Cá thác lác lóc thịt, vo tròn, có tiêu, gia vị, nhiều khi ăn còn cả những miếng xương cá nhỏ chưa nhuyễn, hay còn sót lại. Âu cũng là chút dừng lại để vị đằm miệng hơn. Để nhìn ngắm món ăn kỹ hơn chút nữa.
Ăn từ từ, chầm chậm. Không chỉ là cách thưởng thức món ăn mà còn đặc biệt dành cho món canh, nhưng phải vừa thổi vừa ăn để còn vị nong nóng, hương thơm còn chưa tan, nước còn chưa mặn. Có như thế thì mới trọn vẹn. Ăn món ăn, nghĩ về những nhọc nhằn đã và sẽ đến, để nhâm nhi. Và, biết hơn nhiều thứ từ một món ăn…
ÐẶNG THÙY