Gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu: “Chết đứng” vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Việc chôn vốn trong nguyên liệu và tồn đọng lượng lớn sản phẩm đã đẩy nhiều cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ ở xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) vào thế khó và hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân chính được xác định là phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
4/9 thôn của xã Nhơn Hậu có cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ, với 120 hộ sản xuất. Trong số này, có khoảng 10 cơ sở quy mô lớn.
Sản phẩm gỗ mỹ nghệ kích thước lớn và cầu kỳ, tinh xảo được sản xuất theo mẫu mã hàng xuất đi Trung Quốc bị ứ đọng.
Thị trường Trung Quốc của sản phẩm gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu bắt đầu chững từ đầu năm 2016, và giảm sút mạnh kể từ tháng 3.2017. Các cơ sở sản xuất và nhà quản lý phải thừa nhận thực tế là việc kinh doanh gỗ mỹ nghệ hiện nay quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hàng tồn đủ tiêu thụ... 5 năm!
Thời hưng thịnh, nhiều chủ cơ sở sản xuất ở Nhơn Hậu mở hẳn cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Trung Quốc. Bởi thế, một khi thị trường này “hắt hơi, sổ mũi” thì nhiều cơ sở quy mô lớn cũng rơi vào thế... chết đứng. Anh Phạm Văn Sơn, kế toán cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Thống Loan, cho hay, sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp của cơ sở này trước đây chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), sau này qua cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn). “Hàng gỗ mỹ nghệ loại lớn như lục bình với hoa văn trang trí bằng tay cầu kỳ, tinh xảo phải xuất sang Trung Quốc, chứ rất khó tiêu thụ trong nước, vì giá đến vài chục triệu đồng/cặp”, anh Sơn nói.
Trước đây, doanh số bán hàng của cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Thống Loan đạt 50 - 60 triệu đồng/ngày, nay giảm còn chừng 10 triệu đồng/ngày. Từ tháng 3.2017, thị trường Trung Quốc gần như “đứng” hẳn. Hiện, cơ sở còn tồn gần 60 cặp lục bình cao làm theo mẫu mã đầu mối Trung Quốc cung cấp, vốn chôn cả tỉ đồng; trong khi kho gỗ nguyên liệu cũng ngổn ngang.
Đến làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu thời điểm này, điểm chung dễ nhận thấy là nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn với các mối hàng Trung Quốc đã thu hẹp sản xuất. Lúc cao điểm, mỗi xưởng sản xuất có năm bảy chục, thậm chí cả trăm thợ tiện, chạm trổ, chà nhám, giờ vỏn vẹn khoảng chục người trở lại. Nhiều chủ cơ sở chia sẻ: Hàng họ ế ẩm không xuất đi được, nhưng cho thợ nghỉ hết thì sau này khó kiếm người, nhất là thợ tiện tay nghề cao, nên đành cầm cự nuôi thợ chờ thời!
Trước kia, xưởng sản xuất của cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Lợi Nhung có 70 - 80 thợ lành nghề và lao động các khâu, giờ chỉ còn hơn chục người, chủ yếu là bà con, anh em. Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ cơ sở này, cho biết, mấy năm trước, lượng hàng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, doanh số khoảng 20 tỉ đồng/năm.
Thế mà cả năm 2016 doanh số chỉ... 300 triệu đồng; trong khi phải trả tiền thuê mặt bằng cửa hàng mở bên đó và nhân viên phục vụ lẫn thông dịch, nên “lỗ chỏng gọng” bảy tám trăm triệu đồng. “Sản phẩm tồn kho rất lớn, nếu 5 năm nữa không sản xuất thì xưởng vẫn đủ hàng để bán!”, bà Nhung cám cảnh.
Tìm kiếm thị trường nội địa
Với hy vọng thị trường Trung Quốc sẽ “ấm” lên vào thời điểm cuối năm, nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu vẫn duy trì hoạt động chờ thời; nhưng trên thực tế cuộc chơi này chỉ dành cho những “đại gia” có tiềm lực về vốn. Và vấn đề nữa là bao giờ giải hết hàng tồn, thì không ai chắc chắn được.
Trước sự đóng băng bất ngờ từ thị trường chủ lực, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đang loay hoay tìm hướng tháo gỡ. Cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Thống Loan phải giảm giá sản phẩm, nhưng cũng không bán được bao nhiêu. Tìm kiếm thị trường mới từ Lào, hay Campuchia cũng không mấy khả quan. Còn cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Lợi Nhung lại tích cực đi hội chợ, triển lãm. “Sở Công Thương thông báo chỗ nào có hội chợ là chúng tôi đi, cốt để quảng bá sản phẩm và tìm mối làm ăn, đơn hàng trong nước. Hiện cơ sở có gian hàng sản phẩm ở khu triển lãm tại Hà Nội và Quảng Nam, chứ không bán ở một điểm cố định”, bà Nhung cho hay.
Để phù hợp với thị trường trong nước, ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết một số cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ của làng nghề đã chuyển sang sản xuất mặt hàng trang trí nhỏ. UBND xã cũng động viên các cơ sở tích cực tìm thị trường tiêu thụ; nhiều cơ sở đã mở cửa hàng ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
Trong khi đó, UBND TX An Nhơn cũng đang xúc tiến xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu. “Đây là một vấn đề cần thiết và cấp bách, giúp phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Chúng tôi đã giao Phòng Kinh tế phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương tiếp tục xây dựng cơ chế quản lý, phát triển cơ sở làng nghề. Quan trọng nhất, quản lý thương hiệu phải có sự liên kết của các cơ sở sản xuất, khi đó mới có thể nâng được giá bán và thâm nhập nhiều hơn, ổn định hơn thị trường trong và ngoài nước”, ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, nhấn mạnh.
THU HIỀN