Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Ðộng lực phát triển công nghiệp nông thôn
Những năm gần đây, Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng được tổ chức tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, về vấn đề này.
* Thực tế cho thấy, hoạt động tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh và cấp quốc gia trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sản xuất CNNT trong tỉnh. Ông có thể giới thiệu cụ thể về Chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB?
Ông Võ Mai Hưng
- Chương trình do Bộ Công Thương phát động từ năm 2010. Đây là “sân chơi” dành riêng cho các DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh… (gọi chung là cơ sở CNNT). Mục đích của chương trình nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển sản xuất để có kế hoạch hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị…, góp phần thúc đẩy CNNT ở địa phương phát triển bền vững.
Sản phẩm tham gia bình chọn, ngoài những yêu cầu trên, còn phải đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản về kinh tế, kỹ thuật, xã hội; sử dụng nguồn nguyên liệu; giải quyết việc làm cho người lao động và đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Theo quy định, sản phẩm được bình chọn chia thành 4 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia. Có 4 nhóm sản phẩm được tham gia bình chọn, gồm: sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí; nhóm sản phẩm khác. Việc bình chọn dựa theo các tiêu chí: đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; tính văn hóa và
thẩm mỹ.
* Tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm được bình chọn sản phẩm CNNTTB các cấp. Vậy Chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB ở tỉnh ta được triển khai như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn ra sao?
- Bình Định là một trong những tỉnh sớm tham gia Chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB. Tính từ năm 2012 đến nay, Sở Công Thương đã triển khai 16 nội dung thuộc chương trình phát triển sản phẩm CNNTTB với tổng kinh phí khoảng 1 tỉ đồng. Trong đó có việc hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm CNNTTB khu vực; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp huyện; hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh…
Nếu năm 2014, toàn tỉnh có 61 sản phẩm tham gia bình chọn, có 44 sản phẩm đạt tiêu biểu cấp tỉnh, 8 sản phẩm đạt cấp khu vực; thì đến năm 2016, toàn tỉnh có 89 sản phẩm tham gia, 51 sản phẩm đạt tiêu biểu cấp tỉnh, 10 sản phẩm đạt cấp khu vực. Đặc biệt, mới đây, có 4 DN, cơ sở CNNT của tỉnh đã đoạt danh hiệu “Sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia - 2017”. Đó là các sản phẩm: Dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An (huyện Hoài Nhơn); máy làm nhang cây tự động của Công ty TNHH TM-DV-SX Hải Lan (TX An Nhơn); cụm sản phẩm trang bị tàu đánh bắt xa bờ của Công ty TNHH SX-TM-DV Đường Minh (TX An Nhơn); nước mắm Như Hoa của cơ sở nước mắm Như Hoa (huyện Hoài Nhơn).
Nước mắm Như Hoa là 1 trong 4 sản phẩm của Bình Định vừa đạt danh hiệu sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đạt được, CNNT trên địa bàn cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Hạn chế lớn nhất là quy mô sản xuất của các DN, cơ sở khá nhỏ; các sản phẩm tham gia có sản lượng sản xuất và doanh thu thấp; lao động sử dụng trong sản xuất không nhiều; hình thức, nhãn mác, bao bì sản phẩm chưa được chú trọng; quá trình sản xuất một số sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường...
* Để chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần phát triển CNNT, tỉnh ta cần phải làm gì, thưa ông?
- Sở Công Thương đã có kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục triển khai Chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB của tỉnh, nhất là định hướng phát triển sản phẩm CNNT trong tiến trình hội nhập. Theo đó, các DN, cơ sở CNNT trong tỉnh sẽ chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác; tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình hoạt động kinh doanh trên các khía cạnh, như: thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp).
Các DN, cơ sở CNNT cũng đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của DN mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh; thay đổi tư duy kinh doanh; chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn; chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng; nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, các DN sẽ nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất; nâng cấp máy móc trang thiết bị; xây dựng và thực hiện ISO; tham gia công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt…
Ngoài ra, các DN cần xem xét kênh phân phối (các thị trường mới hoặc thị trường cũ ổn định). Với các thị trường mới cần tìm hiểu các quy định và thủ tục nhập khẩu; chú ý hợp tác liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ với các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu nước sở tại để vượt qua rào cản kỹ thuật và thương mại; đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)