Người giữ lửa cho trống Đọi Tam ở Bình Định
Anh Nguyễn Văn Khanh 31 tuổi, đã có gần 15 năm gắn bó với nghề làm trống gia truyền ở làng trống Đọi Tam nổi tiếng (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Năm 2012 anh rời quê hương vào Bình Định mở cơ sở sản xuất trống Thăng Long tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.
Nghề làm trống ở Đọi Tam đã được gìn giữ hàng nghìn năm qua. Theo tục lệ “cha truyền con nối” việc truyền nghề làm trống chỉ cho con trai, con rể hoặc con dâu, con gái không được truyền vì sợ đem nghề đi nơi khác. Làng Đọi Tam hiện có hơn 500 hộ làm trống, hàng ngàn người thợ nơi đây cũng đã đem nghề phát triển đến nhiều nơi. Người thợ Đọi Tam có thể làm nhiều loại trống đạt chất lượng cao.
Tìm đến cơ sở sản xuất trống Thăng Long tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, để gặp anh Nguyễn Văn Khanh được giới thiệu là người duy nhất giữ lửa cho trống Đọi Tam tại Bình Định. Cơ sở sản xuất của anh nằm cạnh QL 1A, khi chúng tôi đến anh đang cặm cụi hoàn thiện nhiều sản phẩm trống múa lân để kịp giao hàng cho khách phục vụ Tết Trung thu sắp đến.
Anh Khanh cho biết: “Bình Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, nơi đây có nhu cầu lớn về trống chất lượng cao nên tôi đã quyết định từ làng nghề chuyển vào đây làm các loại trống, chiêng, chuông phục vụ khách”.
Trống Đọi Tam sản xuất tại Bình Định chất lượng cao chẳng kém trống sản xuất tại làng nghề khác. Chính vì vậy, cơ sở sản xuất trống Thăng Long ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Chủ yếu là các địa phương trong tỉnh. Dịp Trung thu năm nay, cơ sở Thăng Long đã sản xuất trên 1.000 chiếc trống có đường kính từ 20-50cm để phục vụ khách hàng.Chất lượng trống Đọi Tam được gìn giữ qua bao nhiêu thế hệ nhờ người thợ luôn thực hiện một cách kỹ lưỡng, sáng tạo các bước kỹ thuật cơ bản như xẻ gỗ, làm tang trống, bưng trống và quan trọng nhất là chọn da. Da làm trống phải là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi rồi phơi khô 3 nắng rồi lại ngâm nước cho mềm ra. Sau đó lại phơi nắng cho đến lúc thật khô. Khi bào da cũng phải chú ý không để da quá dày hoặc quá mỏng, bởi da dày thì tiếng trống sẽ bị bì, còn da mỏng thì trống sẽ mau thủng. Gỗ làm tang trống phải là loại gỗ mít có độ mềm, dẻo, được cắt thành nhiều khúc sau đó làm thành từng mảnh dăm. Tùy theo kích cỡ trống mà định ra bao nhiêu mảnh dăm, độ cong và dẻo của dăm được tính toán kỹ để lúc ghép thành tang trống phải vừa khít. Công đoạn quan trọng nhất là bưng trống. Khi da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, người thợ tiến hành thẩm âm, khi cảm thấy như ý thì mới đóng đinh chốt để cố định vào thân trống. Trống có chất lượng âm thanh như thế nào phụ thuộc vào tay nghề cao thấp của người thợ.
Anh Phạm Ngọc Hưng ở huyện Tuy Phước là khách hàng thường xuyên mua trống tại cơ sở trống Thăng Long nhận xét: “Tôi thấy chất lượng trống ở đây rất tốt, tôi cũng có mua trống ở nhiều nơi khác song âm thanh ở đó lại không được hay như ở cơ sở này, trống ở đây đánh lên âm thanh nghe giòn và rất hay”.
Âm thanh tiếng trống Đọi Tam sẽ ngày càng vang vọng nhiều hơn trên quê hương Bình Định vào mỗi dịp trung thu đến.
Hoài Thu - Hoàng Phạm (thực hiện)