Cần mạnh tay hơn !
Thật đáng buồn khi các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng hàng ngày, liên quan mật thiết đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của mỗi người lại gắn liền với các nguy cơ dỏm, giả, kém chất lượng, chứa chất độc hại… như: gạo tẩy trắng bằng thuốc diệt côn trùng, pha vào sợi bún hóa chất gây ung thư, giò chả tẩm hàn the, cá ướp u rê giữ tươi, thuốc đông y có lưu huỳnh bảo quản…
Đây là sự bất thường bởi sản phẩm hàng hóa lấy tiêu chí lợi nhuận làm đầu, không còn gắn với uy tín, trách nhiệm, với cái tâm cái tài của người làm ra nó. Bởi thế, hiện nay người tiêu dùng luôn phải ở trong tâm thế nghi ngờ trước mỗi sản phẩm, cho dù sản phẩm ấy mang đầy đủ tên tuổi, nhãn mác của các hãng danh tiếng. Có thể nói niềm tin của người tiêu dùng đối với sự trung thực, uy tín trong sản xuất và kinh doanh đã bị xói mòn đi rất nhiều.
Trước tình hình như thế, đã có không ít người chọn cách làm “tự sản tự tiêu” như trồng rau sạch, tự nuôi thả gà, tự muối mắm... để ăn cho… chắc ăn! Nhưng với nhu cầu sử dụng hàng hóa và tiêu thụ thực phẩm rất đa dạng làm sao mỗi người có thể tự lo tất cả mọi thứ nên cách làm trên cũng chỉ là đỡ được tí nào hay tí ấy mà thôi. Vả lại, đó cũng là cách làm đi ngược với xu thế phát triển của xã hội là sản xuất, kinh doanh ngày càng chuyên nghiệp.
Trong rất nhiều trường hợp, chính người sản xuất hay bán hàng lại có lời khuyên cho người thân quen rằng “cái đó là hàng dỏm đừng có mua” hoặc “thứ đó độc lắm, đừng có mua, đừng có ăn”…; nhưng với đa số người tiêu dùng khác thì vẫn bán cho họ sử dụng một cách bình thường như không có gì xảy ra (!). Các cơ quan chức năng cũng biết rất rõ, nhưng lại thiếu các biện pháp và chế tài quyết liệt để ngăn chặn có hiệu quả. Thông thường, mỗi khi có thông tin về hàng hóa độc hại lưu thông trên thị trường được báo chí phát hiện, nêu sự việc thì liền sau đó các cơ quan, ban ngành chức năng lập tức vào cuộc với hàng loạt động thái như kiểm tra, xử lý, thông tin cảnh báo... với các biện pháp xử lý chỉ mang tính hình thức nhất thời như thế nên chỉ sau một thời gian ngắn ồn ào tất cả lại… “đâu lại vào đó”(?).
Mặc dù trong khung hình phạt của Bộ luật Hình sự, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh…, gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe người dân, nhất là trong các trường hợp có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù đến chung thân và hình phạt cao nhất cho tội danh này là tử hình. Đã đến lúc chúng ta cần tăng cường nhiều hơn trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người, không thể cho một bộ phận người sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cộng đồng. Cần xử lý kiên quyết, đích đáng các vụ nghiêm trọng để răn đe, làm gương như một số nước đã làm.
VŨ LINH