Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo Chỉ thị số 18/2016 của UBND tỉnh: Chưa đáp ứng yêu cầu
Ðó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR); điều tra làm rõ, xử lý các vụ vi phạm, nhất là vụ phá rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão).
Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cùng lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão kiểm tra hiện trường vụ 60,9 ha rừng bị đốn hạ ở tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão).
“Nóng” vụ phá rừng tại xã An Hưng
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, công tác QL-BVR đã được tăng cường khi Chỉ thị số 18/2016 của UBND tỉnh có hiệu lực. Thực tế, với sự phối hợp của lực lượng Kiểm lâm (KL), Công an, dân quân tự vệ và các chủ rừng, đến nay tỉnh ta đã cơ bản thống kê và phá bỏ xong diện tích cây trồng trái phép chưa thành rừng được trồng trên những diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép năm 2015 và năm 2016 với gần 399 ha. Tuy nhiên, lại để xảy ra vụ phá 60,9 ha rừng tại khoảnh 7 - 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (An Lão) giáp ranh với xã Hoài Sơn của huyện Hoài Nhơn. Đây là vụ phá rừng quy mô lớn và diễn biến phức tạp.
Cũng theo ông Hổ, nguyên nhân vụ phá rừng ở An Hưng là do lực lượng kiểm lâm mỏng, diện tích rừng lớn, kinh phí phục vụ cho công tác QL-BVR hạn chế, trong khi một số Hạt KL và chủ rừng triển khai thực hiện quy chế phối hợp BVR vùng giáp ranh chưa đồng bộ, chủ quan, không tuần tra BVR thường xuyên, nên để xảy ra phá rừng.
Không đồng tình với quan điểm của ngành Nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho rằng, vụ phá rừng tại xã An Hưng là có tổ chức và có khả năng liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra trước đó. Hai nông dân không thể phá rừng với diện tích lớn như vậy được, nên cần phải điều tra làm rõ đối tượng đứng phía sau. Ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng cần xem lại trách nhiệm cán bộ ở cơ sở, không phải “ngày 1 ngày 2” lâm tặc có thể phá với diện tích lớn như vậy, nếu lực lượng QL-BVR làm việc có trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn sẽ phát hiện xử lý ngay sự vụ, đâu để diện tích rừng bị phá nhiều đến vậy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cũng yêu cầu ngành chức năng tăng cường công tác quản lý rừng, gỗ rừng và các doanh nghiệp (DN) thu mua gỗ keo. Trường hợp không có xã, huyện xác nhận, keo rừng DN mua không có chủ thì xem xét, xử lý.
Theo Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh: “Để phá được 60 ha rừng và làm đường vận chuyển gỗ về xuôi tiêu thụ, lâm tặc phải mất một thời gian dài. Hơn nữa, chi phí, công sức để phá rừng, trồng rừng và làm đường không hề nhỏ, nhưng 5 năm sau mới có thu hoạch, vậy cơ sở nào để lâm tặc yên tâm “đầu tư” phá rừng?”.
Để xảy ra phá rừng với diện tích lớn ở địa phương, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, đã thay mặt lãnh đạo huyện An Lão xin lỗi lãnh đạo tỉnh vì đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh và mong muốn ngành chức năng của tỉnh điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật. “UBND huyện An Lão cũng nghiêm túc kiểm điểm và xử lý các cán bộ để xảy ra phá rừng tại xã An Hưng, đồng thời tăng cường các biện pháp cấp bách QL-BVR”. Ông Đỗ Tùng Lâm cho biết.
Tăng cường các biện pháp cấp bách QL-BVR
Tham gia phát biểu tại hội nghị, các sở, ngành, chính quyền các địa phương đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với lực lượng KL và chủ rừng triển khai đồng bộ các giải pháp QL-BVR. Cho phép UBND các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng nguồn kinh phí thu được từ xử lý vi phạm hành chính và bán phát mãi lâm sản, phương tiện tịch thu trong lĩnh vực lâm nghiệp bổ sung vào kinh phí BVR. Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều tại Chỉ thị số 18/2016 của UBND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế; hỗ trợ kinh phí cho lực lượng QL-BVR thực hiện công tác QL-BVR và bổ sung kinh phí giao khoán BVR; nâng cao chế độ cho cán bộ cấp xã thực hiện công tác QL-BVR.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhận định: Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18/2016 của UBND tỉnh, công tác QL-BVR đã được tăng cường bằng nhiều biện pháp cụ thể; số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm nhiều so với các năm trước, nhưng mức độ vi phạm lại nghiêm trọng và tinh vi hơn. Riêng vụ việc tại An Hưng, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an vào cuộc, nhưng quá trình điều tra cho thấy, đối tượng phá rừng đã và đang tìm cách đối phó và có thể có sự tiếp tay, bao che của người đứng phía sau. Do vậy, ngành chức năng phải tìm cho ra đối tượng cầm đầu và những đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm, bởi đây là uy tín, danh dự cả hệ thống chính trị của tỉnh. Qua vụ phá rừng ở xã An Hưng cho thấy, công tác QL-BVR vẫn chưa được các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể thực hiện quyết liệt, và còn lỏng lẻo.
Về nhiệm vụ QL-BVR trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai nghiêm túc Chỉ thị 18/2016 của UBND tỉnh. Xây dựng lực lượng đủ mạnh, có sự tham gia của lực lượng Công an, quân đội, đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo, đoàn kiểm tra liên ngành QL-BVR, có phương án kiểm tra, truy quét lâm tặc cụ thể. Kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; tăng cường công tác giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ. Bên cạnh đó, tập trung xử lý các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các DN buôn bán lâm sản, nếu phát hiện DN tiêu thụ gỗ lậu thì thu hồi giấy phép ngay. Sở NN&PTNT tổng hợp các kiến nghị của địa phương, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Chỉ thị 18/2016 trong tháng 10 này. Thanh tra tỉnh cần phải tiến hành thanh tra về tình hình mua, xuất khẩu gỗ của các DN sản xuất dăm gỗ trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính cân đối kinh phí để phục vụ công tác truy quét lâm tặc và kinh phí quy hoạch, thống kê đo đạc đất lâm nghiệp.
9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 43 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích 76,13 ha, giảm 170 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 8 vụ cháy rừng trồng với diện tích thiệt hại 23,2 ha, giảm 33 vụ. Ðối với công tác xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, 9 tháng đầu năm 2017, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc xử lý và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý 262 vụ việc tồn đọng của năm 2016 và những năm trước, trong đó có 177 vụ hình sự và 85 vụ vi phạm hành chính.
PHẠM TIẾN SỸ