Duyên thơ & nhạc
Ðời sống nghệ thuật trong tỉnh ở hai mảng văn học và âm nhạc nhiều năm qua ghi nhận một “hiện tượng” thú vị, đó là có rất nhiều bài thơ được nhạc sĩ đồng cảm, phổ nhạc. Thơ làm nền cho nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ.
Thơ - nhạc giao duyên vốn không phải là chuyện lạ. Nhưng khi tìm hiểu, người viết không khỏi bất ngờ trước một số lượng các ca khúc phổ thơ ở Bình Định.
Phong phú, đa dạng
Riêng nhà thơ Nguyễn Đình Sinh đã có khoảng 20 bài: Rượu Làng Vân - được nhạc sĩ Chu Sĩ Phước phổ thành Tình khúc rượu Làng Vân, Dạ quỳnh - được nhạc sĩ Bạch Mai phổ thành Tình khúc dạ quỳnh, các bài thơ: Ban mai, Gánh thời gian, Khói bếp chiều Ba mươi, Sắc xuân Quy Nhơn… lần lượt được các nhạc sĩ Dương Viết Hòa, Lê Trọng Nghĩa, Vũ Trung, Đình Đạm… phổ nhạc. Nhà thơ Văn Trọng Hùng có 3 bài thơ bắt gặp sự đồng cảm sâu sắc từ 2 nhạc sĩ. Trong đó, nhạc sĩ Thế Tuyên phổ 2 bài là Trước hòn Vọng Phu, Ta và trăng, nhạc sĩ Vũ Trung phổ bài Tản mạn quê hương - một trong những ca khúc Bình Định có độ phổ biến cao và được đánh giá là ca khúc hay về địa phương. Nhiều ca khúc của các nhạc sĩ khác trong tỉnh như: Đào Minh Tâm, Hữu Thuần, Khắc Hùng, Lê Trung Tín… ra đời trên nền là những bài thơ của các thi sĩ trong tỉnh.
Ca sĩ Hoàng Dũng thể hiện ca khúc Về đây Quy Nhơn của nhạc sĩ Đào Minh Tâm phổ thơ Trần Quang Khanh. Ảnh: VÂN PHI
Yếu tố dễ nhận thấy là các nhạc sĩ muốn có những sáng tác mang sắc thái quê nhà. Và để làm được điều đó, không gì thuận lợi bằng cách khai thác những sáng tác của bạn bè. Có nhiều cơ hội trao đổi, trò chuyện, tâm sự, chia sẻ…, thi sĩ và nhạc sĩ dễ dàng cộng hưởng, hòa điệu và thăng hoa. Chỉ cần lướt qua tên ca khúc cũng có thể nhận ra rằng quê hương và tình yêu là hai đề tài nổi trội.
“ Phổ nhạc cho thơ, với tôi bên cạnh mối đồng cảm với tác phẩm, tác giả còn là cách tôi trải nghiệm sáng tác - ở một lĩnh vực nghệ thuật khác”
Nhà điêu khắc LÊ TRỌNG NGHĨA
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa - một nghệ sĩ đa tài, tuy chuyên môn chính là mỹ thuật, nhưng anh đồng thời cũng là tác giả của nhiều ca khúc, phần lớn được phổ từ thơ. Anh chia sẻ: “Phổ nhạc cho thơ, với tôi bên cạnh mối đồng cảm với tác phẩm, tác giả còn là cách tôi trải nghiệm sáng tác - ở một lĩnh vực nghệ thuật khác. Tôi xem đây như một cách giữ lửa sáng tạo!”. Lê Trọng Nghĩa cũng như nhiều tác giả khác còn tâm sự rằng, có thể hỗ trợ để giới thiệu tác phẩm đến công chúng, giúp tác phẩm có đời sống rộng hơn, phong phú đa dạng hơn trong dạng thức một loại hình nghệ thuật khác, là việc rất thú vị và hữu ích.
Ðồng điệu
Phổ nhạc từ thơ, phỏng theo ý thơ là mối quan hệ tương hỗ. Nhiều nhạc sĩ trong tỉnh thừa nhận và khán giả cũng dễ dàng phát hiện ra, nhược điểm lớn ở khá nhiều ca khúc địa phương là phần ca từ chưa thật sự đẹp, tinh tế, chắt lọc - đã phần nào được bù đắp nhờ các thi sĩ; và theo đó giá trị của bài thơ cũng được tôn cao thêm nhờ giai điệu, tiết tấu.
Theo Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Trần Quang Khanh, tuy chưa có thống kê chính xác song lượng tác phẩm thơ được phổ nhạc, phỏng theo ý thơ, có thể lên đến cả trăm trường hợp. Có điều này, ngoài sự đồng cảm song phương, còn có lý do hai chi hội văn học (mảng thơ) và âm nhạc là hai chi hội phối hợp, tương hỗ sáng tác hiệu quả nhất. Hội VHNT tỉnh ghi nhận và khuyến khích.
“Một ca khúc hay nhất định phải có ca từ hay. Tôi biết nhiều nhạc sĩ rất quan tâm, chờ mong những tác phẩm thơ hay để phổ. Ngược lại, anh em làm thơ cũng dần có ý thức về nhạc tính trong tác phẩm của mình. Hai chi hội cũng có kế hoạch tổ chức đi thực tế sáng tác chung, để tiện chia sẻ về ý tưởng, đề tài, “đặt hàng” lẫn nhau và phổ nhanh những bài thơ mới ra đời”, ông Trần Quang Khanh cho biết.
SAO LY