Một bộ sách thú vị về văn hóa biển đảo
Đó là tên bộ sách đồ sộ (2 tập, với 2.090 trang sách khổ lớn) về văn hóa biển đảo Việt Nam lần đầu tiên được xuất bản (Nxb. Công an nhân dân, 2017) do Vũ Quang Dũng tuyển chọn và biên soạn. Bộ sách tuyển chọn gần 200 bài viết nghiên cứu của hơn 70 tác giả, học giả.
Cư dân biển đảo đa số là những người “từ nội đồng đi ra biển cả”. Bên cạnh những giá trị văn hóa mà họ đem ra từ đất liền, đồng ruộng là những giá trị văn hóa được tạo nên từ bối cảnh, môi trường mới, nơi họ chinh phục môi trường tự nhiên khắc nghiệt và kiên cường bám trụ sinh tồn. Bộ sách đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển các vùng - miền, làng biển Việt Nam. Đồng thời giúp bạn đọc tìm hiểu một số khía cạnh trong đời sống văn hóa tinh thần của ngư dân Việt Nam; góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Một số tác giả Bình Định đã góp phần làm phong phú và giá trị của bộ sách như Nguyễn Xuân Nhân (Biển Đông với văn hóa cảng thị Bình Định thời trung đại); Nguyễn An Pha (Biển và lễ hội cầu ngư ở Bình Định); Trần Xuân Toàn - Trần Xuân Liếng (Tính chất sông nước, sóng biển của văn học dân gian miền biển Bình Định; Phương tiện hành nghề đánh bắt cá ngày xưa ở Hoài Nhơn, Bình Định…).
TRẦN XUÂN TOÀN