Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng bún, bánh
Về xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, nhắc đến nghề làm bún tươi, ai cũng nghĩ đến gia đình bà Nguyễn Thị Trúc (54 tuổi), ở thôn Tường An. Nối nghiệp nghề làm bún truyền thống của gia đình, bà Trúc tiếp tục gắn bó với nghề đã hơn 30 năm và từng bước đầu tư máy móc hiện đại để làm ra nhiều loại sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Bà Trúc đang làm bánh ướt.
Từ một cơ sở chỉ làm bún bằng thủ công, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, gia đình bà Trúc đã đầu tư máy móc để phát triển nghề, cải thiện năng suất. Hiện tại, gia đình có 5 hệ thống máy liên hoàn làm bún, bánh hỏi, bánh ướt, mì quảng và phở tươi. Mỗi ngày cơ sở sản xuất bình quân 1 tấn gạo; vào thời điểm tháng 11, tháng Chạp âm lịch, sản xuất từ 1,2 - 1,3 tấn gạo. Nhờ tất cả được làm bằng máy móc nên giảm đáng kể công lao động, thời gian và chi phí mà chất lượng bún lại cao hơn so với làm bằng phương pháp thủ công. Hiện gia đình huy động 6 lao động trong nhà, những tháng hàng nhiều thì thuê thêm từ 2 - 5 lao động. Sản phẩm bún, bánh của cơ sở được phân phối chủ yếu trong huyện và các huyện lân cận.
Điều làm nên thương hiệu cho bún, bánh của gia đình bà Trúc là chất lượng, không sử dụng hóa chất, phẩm màu, phụ gia. Bà Trúc khẳng định: “Nếu không giữ chữ tín, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì ai mua sản phẩm của mình”.
Tuy nhiên, muốn bún, bánh làm ra luôn tươi, ngon mà không sử dụng hóa chất, gia đình bà phải nghiên cứu, cải tiến phương pháp làm bún, bánh. Bà Trúc chia sẻ: “Muốn làm một mẻ bún ngon, đầu tiên phải chọn gạo. Tôi thường dùng loại gạo ải, gạo sẹt, mua từ Tuy Hòa và phải đảm bảo không tạp chất, không ẩm mốc, mối mọt và không chất bảo quản. Trong các khâu làm bún, tôi kết hợp giữa cách thức hiện đại và kinh nghiệm, nhờ đó bún, bánh làm ra luôn ngon, dai, trắng, không chua”.
Tuy không chia sẻ về doanh thu, nhưng với khoảng từ 2.000 - 2.500 kg sản phẩm bán ra thị trường mỗi ngày, với giá từ 6.000 - 15.000 đồng/kg, có thể thấy doanh thu của cơ sở không nhỏ. Bà Trúc cũng đã đặt mua 1 máy làm bánh dây, khoảng 2 tháng nữa sẽ đưa vào hoạt động. Bà cho biết, trong thời gian tới, sẽ xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất, để phát triển nghề làm bún, bánh của gia đình.
TRỌN LỘC