Làm giàu từ mô hình VAC
Ðó là anh Nguyễn Minh Bằng, ở thôn Kim Tài, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn). Tháng 9.2017, anh vinh dự là 1 trong 5 nông dân của tỉnh tham dự Hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, được Trung ương Hội Nông dân tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2017.
Anh Bằng chăm sóc vườn đu đủ. Ảnh: THANH TRÚC
Gắn bó với nghề nông nhưng gia đình anh Bằng vốn chỉ đủ ăn đủ mặc, không thể thoát khỏi cảnh nghèo. Đầu năm 2010, từ số tiền tích góp cộng với sự giúp đỡ của người thân, anh mạnh dạn đầu tư xây chuồng nuôi chục con heo nái sinh sản và vài chục con heo thịt. Đồng thời, anh thuê trên 1.000 m2 đất công ích của xã trồng đu đủ và các loại rau xanh cung cấp cho thị trường.
Anh còn dành thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi; thực hiện tốt khâu phòng, trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Anh đã xây dựng thành công mô hình VAC với diện tích 1.000 m2 ao vừa là nơi nuôi cá vừa là nơi đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng; 5.000 m2 đất chuyên trồng đu đủ và rau màu các loại; 1.000 m2 chuồng trại nuôi 60 heo nái sinh sản, mỗi năm cho ra đời trên 1.500 heo con. Riêng trong năm 2016, từ mô hình VAC này, sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lãi gần 700 triệu đồng.
Anh Bằng chia sẻ: Muốn làm ăn đạt hiệu quả, cần kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Tự sản xuất cây, con giống đảm bảo chất lượng thì đưa vào sản xuất đại trà mới đạt hiệu quả. Tự tìm đầu ra cho sản phẩm cây trồng. Riêng vật nuôi số lượng lớn thì tìm hiểu thị trường, tạo liên kết với các thương lái và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không nên làm ồ ạt theo phong trào mà phải nghiên cứu thị trường rồi mới chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp.
Từ đầu năm 2017 đến nay, trước tình hình heo rớt giá liên tục, người chăn nuôi thua lỗ nặng, anh Bằng chỉ cố gắng duy trì số heo nái sinh sản hiện có để chủ động nguồn giống khi việc chăn nuôi heo được khôi phục trở lại. Đồng thời, anh tìm hiểu thị trường, ươm hàng trăm cây giống bưởi da xanh và lập dự án thuê đất trồng bưởi da xanh. Đây là bước chuyển mới của anh trong việc chọn giống cây trồng mới làm hướng phát triển kinh tế lâu dài.
Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, anh Bằng luôn sẵn lòng giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn về cây, con giống, kỹ thuật để bà con áp dụng đạt hiệu quả. Mô hình VAC của anh cũng đã giải quyết việc làm ổn định cho gần chục lao động địa phương.
Anh mong muốn các cấp, các ngành sớm quan tâm đến các mô hình kinh tế sản xuất theo hướng gia trại, trang trại ở khu vực nông thôn; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các “nhà”, đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm; tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi giúp nông dân chủ động trong đầu tư sản xuất, tránh tình trạng thương lái ép giá khi đến vụ thu hoạch do thiếu vốn.
THANH TRÚC