Công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Nâng cao vai trò các tổ chức chính trị - xã hội
Thời gian qua, công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng hoàn thiện, phát triển, trong đó có phần đóng góp quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội. Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức này đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên xóa đói, giảm nghèo.
Các tổ chức CT-XH giữ vai trò quan trọng trong công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Trong ảnh: Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh giải ngân vốn vay cho hội viên phụ nữ thị trấn Vĩnh Thạnh. Ảnh: XUÂN DŨNG
Nhiều hội viên được vay vốn phát triển kinh tế
Gia đình chị Đinh Thị Phới, hội viên phụ nữ thôn 5, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh thuộc diện hộ nghèo. Nhờ Hội LHPN xã Vĩnh Thuận tín chấp, gia đình chị Phới được vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để mua 2 con bò cái sinh sản về nuôi. Sau 3 năm, đàn bò phát triển thành 4 con. Năm 2011, chị Phới vay thêm 8 triệu đồng để trồng 2 ha keo lai… Từ nuôi bò, trồng rừng, gia đình chị Phới từng bước vượt qua khó khăn, đã ra khỏi diện hộ nghèo và có một cơ ngơi khá khang trang, cùng 2 ha keo lai, 1 ha mì, 6 con bò, 10 con heo…
Trường hợp gia đình chị Đinh Thị Phới chỉ là một trong số rất nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh nỗ lực thoát nghèo, vươn lên khá giả. Theo bà Từ Thị Phụng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, trong các buổi sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), các cấp hội đã lồng ghép tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho chị em hội viên...
Với những chương trình, giải pháp trên, mô hình tổ TK&VV của Hội LHPN tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ số dư nợ ban đầu (năm 2002) gần 2,84 tỉ đồng với 584 hộ vay, đến nay, Hội LHPN tỉnh đang quản lý 1.159 tổ TK&VV theo địa bàn dân cư với 46.142 hộ, tổng dư nợ gần 1.500 tỉ đồng, chiếm trên 50% tổng dư nợ Ngân hàng CSXH- Chi nhánh Bình Định ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Trong đó, đơn vị có dư nợ ủy thác cao nhất là Hội LHPN huyện Phù Cát (179 tỉ đồng) và thấp nhất là Hội LHPN huyện An Lão (88 tỉ đồng). Việc quản lý và thu hồi nợ quá hạn luôn được các cấp hội chú trọng. Nhờ vậy, tỉ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,19% tổng dư nợ.
Nâng cao vai trò các tổ chức chính trị - xã hội
Hiệu quả của chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách của các cấp Hội LHPN tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức CT-XH (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) là mô hình đặc thù, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo và an sinh xã hội. Đó là hướng đi đúng, đảm bảo chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; đồng thời tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội, huy động được cả sức mạnh cộng đồng.
Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức CT-XH trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Ông Nguyễn Đình Sơn cho biết: Một số tổ chức CT-XH chưa bao quát toàn diện các công việc được ủy thác trong quy trình cho vay, nhất là chưa quan tâm đầy đủ đến công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ TK&VV, việc sử dụng vốn vay của các hội viên và đôn đốc thu nợ. Tổ TK&VV một số nơi chưa làm tốt nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích. Ban quản lý tổ có nơi còn chưa làm hết trách nhiệm của mình dẫn đến việc bình xét cho vay còn nể nang, vẫn còn trường hợp hộ vay sử dụng vốn sai mục đích.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban đại diện HĐQT chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu: Củng cố chất lượng tổ TK&VV, phấn đấu đạt 99% tổ tốt, khá, 1% tổ trung bình và không còn tổ yếu kém; tập trung củng cố các tổ TK&VV có nợ quá hạn trên 2%; tăng cường huy động vốn từ tổ TK&VV và dân cư tại các điểm giao dịch xã để bổ sung vốn cho vay.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các thành viên Ban đại diện HĐQT, các tổ chức CT-XH cấp tỉnh, huyện, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; tích cực huy động vốn từ các tổ viên tổ TK&VV để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV.
Theo ông Nguyễn Ðình Sơn, 15 năm qua, 4 tổ chức CT-XH trên địa bàn tỉnh đã phối hợp thành lập được 2.464 tổ TK&VV, doanh số cho vay đạt trên 7.857 tỉ đồng. Trong số này, Hội LHPN tỉnh đạt trên 4.084 tỉ đồng; Hội Nông dân gần 2.373 tỉ đồng; Hội Cựu chiến binh gần 883 tỉ đồng; Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh gần 496 tỉ đồng.
Về doanh số thu nợ, trong 15 năm, các tổ chức CT-XH trong tỉnh đạt trên 5.040 tỉ đồng, trong đó Hội LHPN đạt gần 2.635 tỉ đồng, Hội Nông dân trên 1.524 tỉ đồng; Hội Cựu chiến binh gần 579 tỉ đồng và Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh gần 284 tỉ đồng. Ðồng thời, thông qua công tác ủy thác cho vay giữa Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các tổ chức CT-XH, Chi nhánh đã ủy thác 99,85% tổng dư nợ cho vay các chương trình.
VIẾT HIỀN