Kế sách nào cho du lịch Việt?
Phát triển du lịch bền vững được coi là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế, ngành công nghiệp không khói đang mang về nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của du lịch nước ta vẫn còn đối diện nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Vịnh Hạ Long
Khai thác tiềm năng thiếu chuyên nghiệp
Với những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lãnh thổ Việt Nam vừa gắn liền với lục địa, vừa thông ra đại dương, có vị trí giao lưu quốc tế thuận lợi cả về đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không. Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển du lịch quốc tế.
Ngoài những danh thắng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới như: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng... Việt Nam còn thu hút khách du lịch nước ngoài với hàng loạt địa điểm du lịch sinh thái kéo dài khắp 3 miền Tổ quốc.
Các đặc điểm cấu trúc địa hình biển và hải đảo, đồng bằng, đồi núi, cao nguyên đã làm cho lãnh thổ Việt Nam đa dạng, phong phú về cảnh quan và các hệ sinh thái có giá trị cao cho phát triển du lịch, đặc biệt là các hệ sinh thái biển, sông hồ, rừng, hang động… thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch thiên nhiên.
Việt Nam lại sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.000 km với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, trong đó bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu phát triển, điểm xuất phát của du lịch Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực. Khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng còn rất hạn chế trước sự cạnh tranh gay gắt của du lịch trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn yếu kém và chưa được coi trọng.
Công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra. Tình trạng taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là mùa cao điểm...
Tất cả những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt đó lại trở nên to tát, vì khách có ấn tượng không tốt về điểm đến. Ngành du lịch Việt Nam có chú trọng đến tiếp thị, quảng bá để thu hút du khách quốc tế, nhưng lại không có chiến lược để giữ chân khách ở lại lâu hơn và quay lại nhiều lần hơn, khiến cho những nỗ lực trên trở thành “công cốc”.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm.
Theo ông Đào Xuân Khương, chuyên gia nghiên cứu marketing tại Hoa Kỳ và bán lẻ tại Đức, sản phẩm du lịch Việt Nam không thỏa mãn được nhu cầu của du khách. Biểu hiện rõ nhất ở chỗ khi đi đến một địa điểm, du khách thường chỉ biết chụp ảnh và ngắm cảnh, hoàn toàn không biết nơi đến “là cái gì, tại sao phải đến”.
Công tác xúc tiến, quảng bá cũng còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, bài bản; quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch…
Bùng nổ du lịch ngoại
Khảo sát của các công ty lữ hành cho thấy, mấy năm gần đây tỉ lệ khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài khá cao. Tại Công ty Truyền thông du lịch Việt, lượng khách đi du lịch nước ngoài chiếm tới 70%. Còn tại Công ty Du lịch Fiditour, tỉ lệ khách đi nước ngoài so với trong nước là 60/40.
Bà Phạm Bích Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour, cho biết năm 2016 lượng khách Việt Nam đi du lịch nội địa và du lịch nước ngoài là 50/50. Khách du lịch Việt Nam những năm gần đây có xu hướng lựa chọn tour trọn gói đến các quốc gia Đông Bắc Á và đang dần quan tâm đến các điểm du lịch xa hơn như các quốc gia châu Âu, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia, Nga...
Khách Việt Nam có xu hướng lựa chọn đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước một phần do tâm lý hướng ngoại, mong muốn khám phá nền văn hóa khác biệt, tìm hiểu về những thành phố phát triển trên thế giới. Thêm vào đó, những năm gần đây một số nước tích cực quảng bá, kết hợp với nhiều đơn vị lữ hành Việt Nam xúc tiến các chiến dịch kích cầu tại thị trường Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Nga, Malaysia, Singapore...
Đặc biệt, nhiều nước không ngừng tung ra các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo để tạo sự tò mò khám phá của khách Việt. Thậm chí Thái Lan đưa hướng dẫn viên sang Việt Nam học tiếng Việt nhằm “thấu hiểu” tâm lý du khách, hay Hàn Quốc biết người Việt thích xem phim Hàn nên trong nhiều tour đã quảng bá nơi đóng phim…
Theo lời nhiều du khách Việt, giá vé máy bay, vé tham quan tại các khu du lịch như Hạ Long (Quảng Ninh), Thung lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Vinpearl Land Phú Quốc (Kiên Giang), Vinpearl Land Nha Trang (Khánh Hòa)… thời gian gần đây liên tục tăng giá nhưng không đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến, đã khiến tính cạnh tranh của du lịch trong nước giảm. Đây chính là lý do khiến Việt Nam dù có thiên nhiên tươi đẹp, nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng du khách Việt lại không đi du lịch trong nước.
Giải pháp nào cho du lịch?
Chuyên gia Đào Xuân Khương gợi ý các công ty du lịch nên xem lại sản phẩm du lịch của mình hiện nay đang bán cho ai, cần cung cấp sản phẩm gì cho du khách và thực sự khách hàng đang muốn gì… Từ đó mới thiết kế sản phẩm, không nên làm chương trình du lịch theo kiểu liệt kê những địa điểm cần đi, kể tên những chỗ ngủ và kể tên các món ăn. Những thông tin này du khách có thể tự tìm được trên mạng internet.
Mặt khác, sản phẩm du lịch chỉ thực sự hút khách khi khách hàng được trải nghiệm dịch vụ. Điều này lại đang là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế không ít đơn vị kinh doanh du lịch phó mặc hoàn toàn cho hướng dẫn viên hoặc người điều hành tour. Vì vậy mới có chuyện món ăn không đúng, giá cả cắt cổ, phòng ốc không đạt...
Còn theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch là yêu cầu cấp thiết của tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Song để làm được điều đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các ngành liên quan, chính quyền địa phương... trong việc giữ gìn an ninh trật tự, chủ động tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng việc bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, ngăn chặn hiệu quả nạn “chặt chém” du khách là rất quan trọng. Bên cạnh đó để du lịch trong nước có thể cạnh tranh với các nước, ngành du lịch phải làm cầu nối liên kết giữa các điểm cung ứng dịch vụ nhằm hỗ trợ cho công ty lữ hành xây dựng được sản phẩm tour có giá tốt và chất lượng bảo đảm… Có như vậy Việt Nam mới hy vọng trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Theo Sài Gòn đầu tư