Nông dân Ðinh Văn Nhứt thoát nghèo
Với sự cần cù, chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm, anh Ðinh Văn Nhứt, 38 tuổi, ở thôn 1, xã An Nghĩa, huyện An Lão đã được công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Mới đây, anh vinh dự là một trong 5 cá nhân của tỉnh được tham dự “Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017”.
Anh Nhứt chăm sóc rừng keo.
Cha mất sớm, mẹ một nách nuôi 3 con, Nhứt chỉ được học đến lớp 6 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cưới vợ năm 26 tuổi, được mẹ cho 10 sào ruộng, anh Nhứt trồng lúa lai 2 vụ/năm. Chăm chỉ canh tác nhưng mỗi năm thu nhập chưa đầy 20 triệu đồng, trừ chi phí chỉ lãi 5 triệu đồng/năm. Quyết tâm vươn lên, anh xin vay 5 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 1 con bò, 1 con trâu về nuôi. Năm 2008, được Nhà nước hỗ trợ 3.000 cây keo giống từ Chương trình 135, anh Nhứt mạnh dạn vay 20 triệu nữa để mua thêm 17.000 cây keo giống về trồng. “Người khác không dám trồng thêm vì sợ trồng keo không có ai mua, giống như cây quế trước đây. Nhà tui cũng chặt bỏ 1.000 cây quế trồng vì không bán được. Nhưng tui xem truyền hình thấy trồng keo tiêu thụ tốt, lại dễ trồng, phù hợp đất ở đây”, anh Nhứt chia sẻ.
Nhờ chịu khó và tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sau 4 năm, anh Nhứt phát triển đàn trâu bò của mình lên 15 con và trồng thêm mỗi năm từ 10.000 - 20.000 cây keo. Năm 2012, anh bán 8 con trâu, bò và bán đợt keo đầu tiên, lãi trên 100 triệu, trả xong nợ ngân hàng và chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo. Từ đó đến nay, gia đình anh luôn có thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Anh đã xây được căn nhà cấp 4 khang trang, sắm sửa nhiều vật dụng và công cụ sản xuất. Nhứt còn lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn với suy nghĩ tiến bộ: “Cho con đi học trước để thành người, sau này, có cái chữ cũng dễ làm ăn, chứ thất học như tui thì cuộc sống khó khăn lắm”.
Anh còn cho 2 hộ khó khăn trong thôn mượn 2 ha đất để trồng keo. “Không còn đói, không còn nghèo như bây giờ là nhờ Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn; Hội Nông dân xã chỉ cho cách làm ăn. Kinh tế gia đình ổn định rồi, vui lắm. Phải tích cực lao động sản xuất thì mới hết nghèo khổ được”, anh Nhứt đúc kết.
Ông Trương Đình Mẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nghĩa, nhận xét: “Anh Nhứt không những là một nông dân biết vượt khó, vươn lên làm giàu mà còn quan tâm giúp đỡ người khác, đóng góp cho quỹ đền ơn đáp nghĩa; là người đầu tiên trong thôn hiến trên 200 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn”.
TỐ UYÊN