Hạn chế nạn lạm dụng rượu bia
Thực tế cho thấy, tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đã đến mức báo động. Cứ hễ bước chân ra đường, ra phố là thấy số lượng quán bia rượu nhiều vô kể. Theo đó, với nhiều người chuyện uống rượu bia đã trở thành một nhu cầu, một thói quen trong văn hóa sinh hoạt hàng ngày. Người ta uống để bầu bạn tâm sự, để chúc vui, chia buồn, để… “ngoại giao” và muôn vàn lý do khác nữa.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn/năm, mức hàng đầu châu Á. Hiện Việt Nam thuộc 12 quốc gia cho phép người dân tự nấu rượu. Trong đó rượu thủ công chiếm gần 80% lượng rượu tiêu dùng. Uớc tính khoảng 230-280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu bia chiếm 1,3-12% GDP mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp.
Rượu bia là một trong số 5 nguyên nhân cao nhất dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới, gây hơn 200 bệnh tật như: Nguy cơ ngộ độc tăng cao (28,5%); khả năng nhiễm ung thư gan, xơ gan (10,7%); loét dạ dày (14,2%); đau đầu (78,5%); lo âu trầm cảm (87,5%); hoang tưởng (14,2%)… Đồng thời, tại Việt Nam rượu bia cũng là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông, là tác nhân gây bạo lực gia đình, tội phạm, mất an ninh trật tự. Hệ lụy của việc sử dụng rượu bia thiếu kiểm soát đối với gia đình và xã hội là quá rõ ràng.
Tuy nhiên, có một điều rất đáng lưu ý là giá bán rượu bia tại Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực, bất kỳ ai cũng có thể tham gia mua bán rượu bia một cách dễ dàng, không bị hạn chế về số lượng và cả độ tuổi. Giá rẻ cộng với việc mua bán, sử dụng dễ dàng là nguyên nhân dẫn đến nạn lạm dụng rượu bia trong đời sống xã hội và dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là tình trạng bạo lực gia đình và trật tự an toàn xã hội.
Vấn đề đặt ra là phải có các giải pháp kiểm soát để cân bằng các vấn đề có liên quan như sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng đối với rượu bia. Theo đó, một mặt vừa đảm bảo cho hoạt động sản xuất các loại thức uống này đáp ứng được nhu cầu, một mặt phải kiểm soát để hạn chế việc lạm dụng tiêu cực dẫn đến các hệ lụy xấu như đã nêu.
Một trong những giải pháp quan trọng là Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11.2017, quy định chi tiết về hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu bia. Nghị định này quy định rõ rất nhiều hành vi vi phạm, trong đó điểm nhấn khiến dư luận quan tâm là “Hộ gia đình không được sản xuất rượu thủ công; Nghiêm cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, người cố tình vi phạm sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng”. Trước Nghị định này, Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1.6.2017 cũng có những điều khoản nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, với chế tài xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng.
Để Nghị định 105/2017/NĐ-CP và Luật Trẻ em đi vào thực tế cuộc sống, một trong những việc cần làm ngay là đẩy mạnh việc tuyên truyền nội dung này đến mọi tầng lớp trong xã hội, để mọi người biết và có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật. Cùng với việc tuyên truyền, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm để các quy định bảo đảm được thực thi trong thực tế. Đây là điều kiện tiên quyết để việc giảm thiểu tác hại tiêu cực đối với đời sống xã hội từ việc lạm dụng rượu bia đạt được mục tiêu mong đợi, nhằm bảo vệ sức khỏe lâu dài cho người tiêu dùng, cho thế hệ trẻ và cũng là bảo vệ giống nòi..
H.Đ