Vụ phá rừng ở xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân):
Đối tượng vi phạm, bất kể là ai cũng phải truy tố, xử lý theo quy định pháp luật
(BĐ) - Đó là khẳng định của ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh diễn tiến vụ phá rừng ở khoảnh 1, khoảnh 2, tiểu khu 108, xã Đắk Mang với PV Báo Bình Định vào chiều 6.10.
Sau gần 4 tiếng đi bằng xe máy, lẫn đi bộ, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT do ông Phan Trọng Hổ dẫn đầu đi kiểm tra vụ phá rừng ở tiểu khu 108.
Theo ông Hổ, bước đầu cơ quan chức năng của huyện Hoài Ân đã xác định đối tượng phá rừng ở tiểu khu này là người đồng bào dân tộc thiểu số ở làng T6, xã Đắk Mang. Trả lời câu hỏi PV: Đối tượng vi phạm là người đồng bào liệu cơ quan chức năng có gặp khó khăn gì trong công tác xử lý?. Ông Hổ, trả lời: “Theo chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh, người phá rừng là bà con dân tộc cũng phải truy tố. Thời gian qua có không ít vụ phá rừng liên quan tới người đồng bào; sau đó, họ cứ nghĩ Nhà nước không thể truy tố, chỉ phạt hành chính nên có người đứng sau xúi giục bà con phá rừng. Vì vậy, vụ việc này sẽ xử lý kiên quyết, triệt để”.
Ông Hoàng Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, cho biết: “Ngày 9.10 tới, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân sẽ hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án. Vụ phá rừng này phải xử lý kiên quyết. Tất cả đối tượng vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật”.
Trước đó, trong 2 ngày 5 và 6.10, PV Báo Bình Định đã cố gắng tiếp cận hiện trường khoảng hơn 20 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ ở tiểu khu 108, thuộc xã Đăk Mang, huyện miền núi Hoài Ân vừa bị phá trắng. Rừng bị phá do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân làm chủ rừng. Sau chuyến đi này, PV nhận thấy: địa hình khu vực rừng bị phá quá hiểm trở và rất xa. Rừng ở đây tuy quy hoạch chức năng phòng hộ, song không có nhiều cây lớn, phần nhiều là cây bụi và cây gỗ nhỏ không có giá trị kinh tế cao.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng huyện Hoài Ân điều tra, làm rõ.
TRỌNG LỢI