Đánh thuế nhà thứ 2: Liệu có khả thi?
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi với lý do để bổ sung ngân sách nhà nước, phòng chống đầu cơ thị trường bất động sản.
Theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế nhà thứ 2 là cần thiết và sẽ phải làm. Trước đề xuất này, dư luận hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều. Liệu việc đánh thuế nhà thứ 2 trong thời điểm này có khả thi?
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi
Bộ Tài chính, trong vài năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có sự tăng trưởng rõ rệt, kéo theo đó là nhu cầu sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân cũng có xu hướng tăng theo.
Mặc dù ở Việt Nam hiện đã có một số chính sách thuế liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất, nhưng chưa có sắc thuế đánh trực tiếp vào tài sản. Do đó, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế hiện tượng đầu cơ cũng như tránh việc sử dụng bất động sản lãng phí, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế sở hữu với căn nhà thứ 2 trở đi.
Số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước. Tại các nước đang phát triển, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi. Ngoài ra, các nước trên thế giới đánh giá việc thu loại thuế này tương đối sát với năng lực tài chính của người chịu thuế vì đánh trực tiếp vào tài sản cụ thể như nhà và đất.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết câu chuyện đánh thuế nhà thứ 2 phải rất cẩn trọng. Bộ Tài chính hiện nay chủ yếu là học tập kinh nghiệm của Singrapore.
Tuy nhiên 70% nhà ở tại Singapore được nhà nước cung cấp, do đó các đơn vị nhà khá tương đồng nhau, nên có thể đánh thuế theo đơn vị nhà thứ 1, thứ 2. Còn ở Việt Nam không thể áp dụng theo, ông Võ nêu quan điểm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, việc đánh thuế nhà thứ 2 là cần thiết bởi thời điểm xảy ra bong bóng bất động sản gần đây có nguyên nhân người đầu cơ bao chiếm rất nhiều nhà trên thị trường, người tiêu dùng không thể mua được do giá nhà bị đẩy lên rất cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng cần xem xét thực tế đối với từng trường hợp cụ thể. Bởi hiện nay ngay tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều nhà mua cả 3 căn hộ thì diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100m2, trong khi đó, có người mua một căn biệt thự đã lên tới hàng trăm m2.
"Hiệp hội BĐS đề nghị không đánh thuế tài sản với những người mua nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng vì đây là những tài sản có giá trị thấp. Đồng thời chúng tôi đề nghị có thang bậc thuế suất đối với người sở hữu nhiều nhà", ông Châu nêu ý kiến.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư, Công ty Savills Việt Nam cho rằng người Việt Nam có thói quen tích luỹ tài sản, đặc biệt là nhà và đất. Cần phải tính toán và cân nhắc cụ thể thời điểm nào để áp dụng sắc thuế này, bởi hiện nay chưa có thống kê cụ thể nào về việc hiện có bao nhiêu người sở hữu nhà thứ 2.
Bên cạnh đó, theo ông Khương, việc đánh thuế sẽ làm thị trường bất động sản kém hấp dẫn, đặc biệt khi thị trường này vẫn chưa phục hồi sau giai đoạn 2007-2010.
Theo nhiều chuyên gia, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 mở ra cơ hội cho người thu nhập thấp có thể mua được nhà do giá nhà sẽ giảm xuống. Không chỉ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, việc đánh thuế này còn giúp chuyển dòng tiền sang những kênh đầu tư, sản xuất kinh doanh khác. Việc đánh thuế cần phải được nghiên cứu kỹ và có lộ trình thích hợp.
Do đó, Bộ Tài chính cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát kỹ càng, hoàn chỉnh chính sách thuế, tránh làm ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân./.
Theo Duy Phương (VOV)