KỶ NIỆM 55 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN CA KỊCH BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH (1962 - 2017):
55 năm ngân vang tiếng hát bài chòi
Tiền thân của Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (Ðoàn) là Ðội Văn nghệ tuyên truyền Bình Ðịnh, ra đời trong kháng chiến chống Mỹ để cổ vũ nhân dân chiến đấu. 55 năm mang tiếng hát bài chòi phục vụ đất nước và làm đẹp cuộc đời, không ngừng trau dồi nghệ thuật và thăng hoa, Ðoàn đã khẳng định vị thế trong làng sân khấu kịch hát dân ca cả nước.
“Khúc ca bi tráng” - thành tích vang dội nhất trong chặng đường 5 năm vừa qua của Đoàn.
- Trong ảnh: Một số nhân vật chính trong vở, từ trái qua NSƯT Tấn Hào - vai Ngô Tùng Châu, NSND Hoài Huệ - vai Võ Tánh và NSND Hồ Thu - vai Công chúa Ngọc Du.
Trưởng thành trong chiến tranh
Tháng 3.1962, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Bình Định ngày càng quyết liệt, sức mạnh vô hình của mặt trận văn hóa đã được Đảng kịp thời sử dụng, phát huy để cổ vũ cách mạng. Vì lẽ đó, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Đội Văn nghệ tuyên truyền Bình Định (Đội), vào ngày 11.3.1962 tại làng 02 - xã Tu Krong- huyện Vĩnh Thạnh. Đến tháng 10 cùng năm, để tương xứng với nhiệm vụ, Đội được Thường vụ Tỉnh ủy đổi tên thành Đoàn Văn công giải phóng Bình Định, với mật danh hoạt động là HB110.
Ðoàn đã được Nhà nước phong tặng 2 NSND và 12 NSƯT, trong đó có 2 NSND và 6 NSƯT còn công tác; cùng nhiều huân, huy chương, bằng khen…
Với vũ khí là lời ca tiếng hát, Đoàn đã có mặt trên nhiều trận địa. Được trui rèn trong gian khó, người chiến sĩ - nghệ sĩ của Đoàn trưởng thành mạnh mẽ, chất lượng tiết mục được đầu tư và nâng cao. Càng ngày, Đoàn càng được giao những nhiệm vụ lớn hơn, được phân công biểu diễn phục vụ nhiều chiến dịch quan trọng hơn. Đây là giai đoạn gian khổ, ác liệt, nhiều hy sinh mất mát nhưng cũng vô cùng vinh quang của Đoàn.
Sau năm 1975, Đoàn rời căn cứ tiến về TP Quy Nhơn, mở ra thời kỳ mới: sáng tạo, hoạt động nghệ thuật trong thời bình, phục vụ kiến thiết, dựng xây, bảo vệ đất nước và giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. Như cánh chim được thỏa sức bay lượn giữa bầu trời tự do, được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và nỗ lực không ngừng của tập thể, từng cá nhân, từ một đội văn nghệ tuyên truyền nhỏ bé ra đời nơi núi rừng, Đoàn nhanh chóng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, hòa vào dòng chảy của sân khấu truyền thống chuyên nghiệp cả nước.
Một cảnh trong vở Anh hùng với giai nhân do Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định biểu diễn. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT
Vững vàng hòa vào biển lớn
So với nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước, cơ hội giao lưu biểu diễn, tranh tài tại các đợt liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp (SKCN) khu vực hay toàn quốc của Đoàn đến hơi muộn. Mãi đến năm 1985, Đoàn mới tham gia Hội diễn SKCN toàn quốc (tại Cần Thơ), với vở “Tội lỗi”, và đã giành ngay HCB cho vở diễn, đồng thời giành 1 HCV và 4 HCB cho diễn viên. Gần như ngay lập tức, Đoàn đã tạo dựng vị thế mạnh mẽ của mình trong ngôi nhà chung của sân khấu Việt Nam.
Có xưa mới có nay, lãnh đạo Ðoàn luôn tâm niệm vậy và nhắc nhở lớp trẻ về đạo lý này. Kỷ niệm 55 năm thành lập, điều lớn nhất Ðoàn muốn nói đó chính là tình cảm, lòng tri ân đối với những hy sinh máu xương, công gầy dựng Ðoàn từ trong chiến tranh ác liệt, thiếu thốn của các lớp nghệ sĩ lão thành. Ðồng thời, nhắn nhủ các em, các cháu trong Ðoàn, hãy lao động nghệ thuật đến tận cùng khả năng và tâm huyết, vượt qua thử thách khắc nghiệt của kinh tế thị trường để làm nghệ thuật truyền thống cho tốt- NSND HOÀI HUỆ, Trưởng Đoàn chia sẻ bên thềm lễ kỷ niệm 55 năm thành lập đơn vị (sẽ diễn ra ngày 10.10 tới tại TP Quy Nhơn).
Ngay trong kỳ liên hoan kế tiếp (1990), Đoàn đã “đổi màu huy chương” với HCV cho vở “Đồng tiền Vạn Lịch”. Rồi liên tiếp những thành tích cao ở tầm quốc gia những năm sau đó: HCV - vở “Huyền Trân công chúa” tại Hội diễn SKCN toàn quốc năm 1995, HCB - vở “Thời con gái đã xa” tại Hội diễn SKCN toàn quốc năm 2010; giải Nhì vở diễn hay toàn quốc các năm 1999, 2000, 2005, 2014… lần lượt cho các vở “Anh hùng với giai nhân”, “Cuộc đời tôi”, “Biển và tôi”, “Người mẹ trước vành móng ngựa”…
Trong số này, vở “Huyền thoại về tiếng hát” (kịch bản: Lâm Tới- Sĩ Chức, đạo diễn: Hoài Huệ) - xây dựng trên cơ sở hoạt động nghệ thuật và anh dũng hy sinh trong kháng chiến của Đoàn đã giành giải Nhì vở diễn sân khấu hay toàn quốc năm 2007.
Theo NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn, trong số trên 100 vở diễn của đơn vị, có nhiều tác phẩm được giới hoạt động sân khấu, phê bình sân khấu đánh giá cao, ghi những dấu son trong nền sân khấu Việt Nam. Tiêu biểu và mới nhất, là vở “Khúc ca bi tráng” (kịch bản: Văn Trọng Hùng, chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn: Hoài Huệ). Là tác phẩm mới, lần đầu tiên ra mắt làng sân khấu cả nước tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, vở diễn đã thu về nhiều giải thưởng: HCV đầu bảng cho vở diễn; giải tác giả xuất sắc nhất; 2 HCV và 3 HCB cho diễn viên. Sau đó, vở này tiếp tục đạt 2 giải thưởng sân khấu năm 2013 gồm giải A vở diễn và giải đạo diễn xuất sắc nhất.
SAO LY