Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn: “Chạy nước rút” trước mùa mưa
Do kinh phí phân bổ chậm, đến cuối tháng 8, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới chỉ đạt 37% kế hoạch năm. Trong tháng 9, các địa phương khẩn trương khai giảng các lớp nghề, “chạy nước rút” để đảm bảo kế hoạch, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.
Phần lớn các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017 khai giảng vào cuối quý III.
- Trong ảnh: Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX An Nhơn hướng dẫn học viên thực hành cách đo ước lượng khối lượng của bò.
Triển khai đã được hơn 1 tháng, lớp “Kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu bò” cho nông dân xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), do giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX An Nhơn phụ trách, đang bước vào những thực hành quan trọng của chương trình. Ngày 5.10 vừa qua, các học viên tập trung về nhà học viên Nguyễn Văn Tân (50 tuổi, ở thôn Ngọc Thạnh) để thực hành kỹ năng đo kích thước để ước lượng khối lượng, kỹ thuật tiêm, kỹ thuật ủ thức ăn...
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thọ, toàn xã có hơn 2.000 hộ chăn nuôi bò nên nhu cầu học kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu bò rất lớn. “Trước khi phối hợp với cơ sở dạy nghề để tuyển sinh mở lớp, địa phương đã khảo sát nhu cầu của người dân. Ngoài lớp “Kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu bò”, trên địa bàn xã còn có các lớp khác như: sửa chữa máy nông cụ, điện dân dụng... Vì học viên là nông dân, việc nhà thường bề bộn nên một số tiết học lý thuyết phải triển khai vào ban đêm. Nếu thời tiết khắc nghiệt, có mưa gió lớn, việc huy động học viên đến lớp càng khó khăn hơn”, ông chia sẻ.
Theo Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn, năm 2017, thị xã mở 17 lớp đào nghề cho lao động nông thôn với 482 học viên. Trong đó, có 16 lớp nghề do Trung tâm GDNN-GDTX An Nhơn phụ trách. Thời điểm này, các giáo viên đều đang nỗ lực hoàn thiện chương trình và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Trong khi đó, từ tháng 8 đến cuối tháng 9, ở huyện Tuy Phước, các lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng lần lượt được triển khai với các nghề như: may thời trang, nấu ăn, kỹ thuật điện, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh... Mới đây, ngày 20.9, lớp đào tạo nghề “Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò” do Trung tâm GDNN và hỗ trợ nông dân tỉnh phụ trách đã được khai giảng tại xã Phước Hưng. Với thời gian đào tạo 2 tháng, cả giáo viên và học viên đều nỗ lực, tập trung để hoàn thiện chương trình trước khi kết thúc năm 2017.
Ông Tạ Ngọc Định, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân cho biết, đến thời điểm này, toàn huyện mới chỉ nghiệm thu một lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có 5 lớp đang triển khai; 1 lớp vừa khai giảng và chuẩn bị khai giảng 1 lớp khác. Cũng như các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các giáo viên phụ trách các lớp nghề tại huyện Hoài Ân cũng lo lắng khi giảng dạy trong thời điểm cận kề mưa bão sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng học viên đến lớp và tiến độ giảng dạy.
Năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có 7 tỉ đồng được phân bổ cho các địa phương. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp được phân bổ 5 tỉ đồng; đào tạo nghề nông nghiệp được phân bổ 2 tỉ đồng. Huyện Hoài Nhơn là địa phương dẫn đầu với kinh phí phân bổ 1 tỉ đồng. Tiếp theo là TX An Nhơn với 900 triệu đồng; 2 huyện Tuy Phước và Tây Sơn được phân bổ 800 triệu đồng/huyện; Vĩnh Thạnh: 700 triệu đồng; Phù Mỹ và Phù Cát: 600 triệu đồng/huyện; huyện Hoài Ân và An Lão: 500 triệu đồng/địa phương; TP Quy Nhơn: 400 triệu đồng; huyện Vân Canh: 200 triệu đồng.
NGUYỄN MUỘI