Nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường ven biển:
Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững
Việc chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm an toàn sinh học, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đồng thời xử lý các đối tượng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt trên các đầm phá, vùng biển ven bờ đã được ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương triển khai bước đầu đạt hiệu quả.
Nhìn nhận đúng thực tế
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ngành nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản (KTTS) của tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã sử dụng gần 3.700 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.136 ha mặt nước lợ được sử dụng để nuôi tôm, cua, cá và 1.560 ha mặt nước ngọt nuôi cá. Năm nay, dịch bệnh gây hại các loại thủy sản giảm rõ rệt, năng suất tăng cao. Sản lượng thủy sản khai thác được đạt trên 4.743 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Nông dân tham gia mô hình nuôi tôm an toàn sinh học ở huyện Tuy Phước thu hoạch tôm nuôi.
Nghề KTTS cũng đã đạt kết quả tốt. Đội tàu cá của tỉnh ngày càng hiện đại; ngư dân khai thác theo tổ, đội đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro. Sản lượng 9 tháng đầu năm 2017 đạt trên 171.587 tấn, tăng 5,3%, trong đó cá ngừ đại dương đạt 8.708 tấn, tăng 20,9%. Điều đáng nói là giá các loại hải sản tăng khá, riêng giá cá ngừ đại dương dao động từ 94.000 - 100 ngàn đồng/kg, đầu ra thuận lợi nên ngư dân có thu nhập cao.
Bên cạnh những thành tựu, nghề nuôi trồng và KTTS tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức; phần lớn hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ dịch bệnh phát sinh gây hại vật nuôi rất cao. Trình độ sản xuất của một bộ phận người dân còn hạn chế, bà con thường thả tôm với mật độ dày, đầu tư chăm sóc không đảm bảo quy trình, nên tôm nuôi chậm phát triển. Một số hộ dân khi phát hiện dịch bệnh trên tôm nuôi nhưng không báo cáo ngành chức năng hoặc chính quyền địa phương biết để hỗ trợ xử lý mà tự ý tháo nước ra môi trường, làm cho dịch bệnh lây lan, khó khống chế.
Trên lĩnh vực KTTS, mặc dù tỉnh ta đã nỗ lực “hiện đại hóa” đội tàu, nhưng vẫn còn trên 1.400 tàu vỏ gỗ công suất nhỏ, đã qua sử dụng nhiều năm, máy móc, thiết bị thiếu và lạc hậu, khả năng hoạt động và chống chịu sóng gió yếu, nên hiệu quả KTTS không cao. Tỉ lệ tàu không có giấy phép KTTS vẫn còn cao, nhất là đối với các tàu KTTS ven bờ. Tình trạng KTTS bằng các nghề cấm và sử dụng chất nổ, xung điện xiếc máy còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trên các đầm phá, vùng biển ven bờ và môi trường sinh thái biển.
Thực hiện các biện pháp phát triển bền vững
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, nhằm đảm bảo sinh kế, nâng cao giá trị gia tăng ngành nghề nuôi trồng, KTTS gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Sở đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm tại Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Mỹ. Xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, đa dạng hóa phương thức và loại thủy sản thả nuôi, gắn với quản lý dịch hại, đảm bảo hiệu quả nuôi tôm tại các địa phương. Qua 2 vụ nuôi tôm năm 2017 cho thấy, tính cộng đồng trong đầu tư, quản lý dịch bệnh tôm nuôi của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, hầu hết các hộ nuôi tôm an toàn sinh học đều có thu nhập cao. Sở NN&PTNT cũng đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi tôm khép kín ứng dụng công nghệ cao tại các vùng nuôi đã được tỉnh quy hoạch tại Cát Khánh (Phù Cát), Mỹ Thành (Phù Mỹ).
Ngành chức năng cứu hộ và thả rùa biển ở vịnh Quy Nhơn.
Trên lĩnh vực KTTS, ngành Nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại đội tàu cá cùng các nghề khai thác phù hợp với ngư trường và nguồn lợi, trong đó tập trung giảm số lượng tàu thuyền công suất nhỏ, chuyển đổi một số ngành nghề KTTS nhằm giảm cường độ khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá và giám sát hoạt động KTTS của ngư dân, nhất là đối với các tàu cá khai thác ven bờ.
Công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của thủy sản vùng nước ven bờ, gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động KTTS bền vững, giữ gìn đa dạng sinh học cũng đã được ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 32/32 xã, phường ven đầm, ven biển thường xuyên đăng ký tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bằng những việc làm cụ thể. Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương và các tổ cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tuyên truyền cho ngư dân chấp hành tốt các quy định về quản lý nguồn lợi biển, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ các rạn san hô, các bãi sinh sản của thủy, hải sản nhằm phục hồi và phát triển nguồn lợi, phát triển đa dạng sinh học trên đầm Trà Ổ, đầm Thị Nại và vịnh Quy Nhơn.
Mặt khác, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Cảnh sát đường thủy, Bộ đội Biên phòng, đội phòng chống xung điện xiếc máy các huyện, thành phố cùng các tổ, nhóm hạt nhân đồng quản lý nguồn lợi thủy sản thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử lý các đối tượng sử dụng xung điện xiếc máy và các nghề cấm khác để KTTS trên các đầm và các vùng ven biển.
PHẠM TIẾN SỸ