Xã Cát Sơn và Cát Lâm (Phù Cát): Bao giờ xây lại cầu bị sập?
Ðó là câu hỏi của người dân đặt ra đối với chính quyền các cấp, ngành chức năng khi đã gần 1 năm trôi qua mà 2 cây cầu ở xã Cát Sơn và Cát Lâm (Phù Cát) bị sập vào đợt mưa lũ cuối năm 2016, vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa. Việc này đã gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân địa phương.
Cầu sập chia cắt khu dân cư
Đợt lũ lụt cuối tháng 11.2016 làm cầu Dịch Nghi - nằm trên tỉnh lộ 634, nối liền xóm Sơn Tuyền và Sơn Hồ, thuộc thôn Hội Sơn (xã Cát Sơn) bị sập hoàn toàn; chia cắt giao thông của gần 20 hộ dân ở xóm Sơn Hồ với trung tâm xã Cát Sơn. Từ đó đến nay, người dân xóm Sơn Hồ phải đi vòng đường núi mới có thể về trung tâm xã. Việc này gây rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các em học sinh. Ngoài ra, những hộ dân ở nơi khác nhưng có đất sản xuất tại xóm Sơn Hồ cũng gặp trắc trở mỗi khi vào nơi canh tác hoặc vận chuyển nông sản.
Cầu Dịch Nghi sập hoàn toàn, chia cắt khu dân cư xóm Sơn Hồ với trung tâm xã Cát Sơn.
Không chỉ vậy, dầm cầu bị sập nằm chắn ngang sông Dịch Nghi đã khiến dòng chảy thay đổi, mỗi khi nước sông dâng cao và chảy xiết dẫn đến hiện tượng sạt lở đất 2 bên bờ sông. Bà Trần Thị Thanh (xóm Sơn Tuyền, thôn Hội Sơn, Cát Sơn), có đất nông nghiệp nằm sát bờ sông, than thở: “Gần 1 năm qua, diện tích đất của nhà tôi bị hà bá “nuốt chửng” hàng chục mét vuông. Đáng lo nhất là trên thửa đất có nhiều ngôi mộ nằm cách điểm sạt lở chỉ 2 - 3m; nếu tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra thì nguy cơ các ngôi mộ bị trôi xuống sông”.
“Lúc cầu mới sập, có thấy các ban, ngành từ huyện, tỉnh đến Trung ương về kiểm tra, nhưng gần 1 năm rồi mà chẳng thấy khắc phục, sửa chữa. Người dân nơi đây đang mong chờ từng ngày xây dựng lại cầu mới để việc đi lại được thuận lợi”, ông Minh, người dân ở xã Cát Sơn, tâm tư.
Một cây cầu khác cũng bị đợt lũ cuối tháng 11.2016 gây hư hỏng nặng là cầu Trắng - nằm trên tỉnh lộ 639B, thuộc địa phận thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm). Nước lũ làm trụ giữa của cầu sụt lún, khiến mặt cầu nghiêng tạo thành hình chữ V. Đáng nói, cầu Trắng nằm trên tuyến đường phía Tây tỉnh - nối dài từ xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) đến huyện Hoài Nhơn, có lưu lượng phương tiện qua lại rất nhiều nên gây nhiều trở ngại giao thông.
Trụ giữa cầu Trắng sụt lún.
Ông Võ Văn Long, ở thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm), cho biết: “Sau khi cầu Trắng sập, ngành chức năng làm tạm tuyến đường tránh bên cạnh để lưu thông. Tuy nhiên, đường tránh chỉ đổ bằng đất cấp phối nên bề mặt nhanh hư, hình thành nhiều hầm, hố, khiến việc đi lại rất khó khăn. Vào ban đêm, không ít trường hợp người đi xe đạp, xe máy bị té ngã do sụp hố”.
Sớm khắc phục, xây dựng cầu mới
Ông Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Từ khi 2 cây cầu tại xã Cát Sơn và Cát Lâm bị sập, việc đi lại của bà con nơi đây gặp nhiều trở ngại, nhất là vào những lúc thu hoạch nông, lâm sản; đồng thời tình hình giao thông qua 2 tỉnh lộ này cũng bị ảnh hưởng. Trước tình hình này, UBND huyện Phù Cát đã kiến nghị UBND tỉnh sớm xem xét, đầu tư kinh phí khắc phục, xây mới cầu để đáp ứng việc đi lại của người dân; cũng như tạo sự thông suốt cho tuyến tỉnh lộ 634 và 639B”.
Ông Trần Văn Dới, Giám đốc Công ty CP Quản lý giao thông thủy bộ Bình Định - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì các tuyến tỉnh lộ này, cho hay: Theo dự kiến, cầu Trắng và cầu Dịch Nghi được sửa chữa, khắc phục trước mùa mưa năm 2017; nhưng do khó khăn về kinh phí nên thời gian triển khai bị chậm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT), việc phục hồi, tái thiết 2 cây cầu bị sập tại xã Cát Sơn và Cát Lâm đã được đưa vào Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung”. Hiện Ban quản lý Dự án NN&PTNT (thuộc UBND tỉnh) đang triển khai các thủ tục theo quy định để xây dựng cầu trong thời gian sớm nhất.
VĂN LỰC