Tác giả Đoàn Thanh Tâm với nghiệp viết tuồng:
Bén duyên và nở hoa
Vừa sáng tác kịch bản mới, vừa chuyển thể từ kịch bản văn học sang kịch bản tuồng, thỉnh thoảng xuất hiện trên sân khấu khi vào các vai diễn, ở vai trò nào, người nghệ sĩ ấy cũng cống hiến hết mình. Đó là tác giả Đoàn Thanh Tâm ở Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Cụ Đào Tấn từng có câu: Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay. Câu nói ấy như vận vào Đoàn Thanh Tâm, khi vinh quang của nghệ thuật tuồng đến với anh khá nhọc nhằn.
Duyên nghiệp với viết tuồng
Đoàn Thanh Tâm trải lòng: “Quê tôi - Hòa Cư, Nhơn Hưng - ngày trước thường có các đoàn tuồng về biểu diễn, tôi rất mê và không bỏ sót đêm nào. Ở nhà, anh em tôi và bạn bè gần nhà cũng bắt chước lập nhóm diễn tuồng. Tôi thi vào lớp trung cấp diễn viên tuồng, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Nghĩa Bình, ra trường về Nhà hát tuồng Đào Tấn công tác. Vào nghề chưa lâu thì bị vỡ giọng! Thú thật, lúc đó tôi thất vọng, chán nản vô cùng, may sao gặp được thầy Tống Phước Phổ, được thầy dìu dắt “rẽ hướng””.
Nghệ thuật tuồng vốn đã rất kén người, nghề viết tuồng lại càng đặc biệt kén truyền nhân. “Công thức” để nhào nặn, bồi đắp nên tác giả viết tuồng có thể khái quát là: hiểu biết và đam mê nghệ thuật tuồng, quan trọng hơn cả là “vốn lận lưng” về ngôn ngữ Hán Nôm, nền văn hóa trung đại. Bởi lẽ các kịch bản tuồng chủ yếu lấy đề tài từ lịch sử xã hội phong kiến. Tác giả tuồng phải làm cho những nét đẹp trong văn hóa cổ xưa gần gũi, phù hợp với nhận thức thẩm mỹ của con người hiện tại. Đấy là “cửa ải” không hề dễ vượt qua.
Với lợi thế từng là một diễn viên, sau khi tốt nghiệp khoa biên kịch, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Đoàn Thanh Tâm đã có thể trực tiếp viết kịch bản tuồng. Nhờ am hiểu ngôn ngữ của tuồng cũng như một số làn điệu cơ bản như hát Nam, hát Khách, nói Lối, Ngâm, Xướng, Tán, Vịnh… nên anh đã vận dụng linh hoạt, đúng chỗ, đúng tình huống khi sáng tác. Lời văn của anh viết mạch lạc, dễ hiểu, dễ thuộc.
“Thanh Tâm là một tác giả trẻ chịu khó học hỏi và say mê nghiệp viết tuồng. Đặc biệt, anh có vốn kiến thức về Hán tự rất phong phú, nhờ đó, anh có thể tìm hiểu và viết tuồng tốt. Đây là tiêu chí cần thiết đối với các biên kịch trẻ hiện nay”, NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, nhận định.
Những vở tuồng do Đoàn Thanh Tâm sáng tác như “Gương trong mắt sáng”, “Vua điên”, “Nguyễn Hoàng”… hay các vở chuyển thể: “Mộng bá vương”, “Trời Nam”, “Hồn Việt”, “Cội nguồn”… đều gặt hái những thành công qua các kỳ liên hoan (LH), hội diễn (HD) chuyên nghiệp. Trong số này có HCV HD toàn quốc năm 1995 với vở “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, HCV HD toàn quốc năm 1999 vở “Trời Nam”, giải B của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng vở “Nguyễn Hoàng” năm 2002, HCV HD toàn quốc năm 2010 vở “Hồn Việt”… Năm 2003, anh vinh dự nhận giải tác giả chuyển thể xuất sắc vở “Mộng bá vương” của tác giả Văn Trọng Hùng tại LH sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung. Và như một cơ duyên, 10 năm sau, Đoàn Thanh Tâm lại đón nhận giải thưởng tác giả chuyển thể xuất sắc nhất và tác giả Văn Trọng Hùng cũng đạt giải tác giả xuất sắc nhất với vở Ca kịch Bài chòi “Khúc ca bi tráng” tại Cuộc thi Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013.
Cháy bỏng đam mê
Một điều kỳ diệu nữa cũng đến với người nghệ sĩ này, giọng hát ngày nào không nỡ từ bỏ hẳn chủ nhân của nó. Tại Cuộc thi Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, Đoàn Thanh Tâm đã đoạt HCB với vai Tổng Ngưu- một vai phản diện điển hình- trong vở “Đêm sáng Phương Nam” (do ông và tác giả Văn Trọng Hùng đồng tác giả).
Với cương vị là Phó trưởng phòng Nghiên cứu - Nghệ thuật của Nhà hát tuồng Đào Tấn, Thanh Tâm luôn gương mẫu, sáng tạo trong công việc: sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên một cách hợp lý, khoa học. Nhất là trong chuyên môn, anh rất cần cù, chịu khó nghiên cứu tài liệu từ các nguồn khác nhau để trau dồi kiến thức về tuồng nhằm phục vụ tốt cho nghề biên kịch. Thanh Tâm thường xuyên đọc các kịch bản của những thế hệ đi trước để tham khảo, tra tài liệu trên Internet hay dịch và viết tiếng Hán… Anh vẫn thầm lặng viết và cống hiến cho nghiệp tuồng với niềm đam mê đến cháy bỏng.
Không những thế, Thanh Tâm còn làm tốt trách nhiệm của một người thầy, hết lòng truyền dạy cho các diễn viên trẻ của Nhà hát một cách chu đáo, cẩn trọng. Khi cần, anh còn dành nhiều thời gian để chỉ dạy riêng cho những nghệ sĩ trẻ muốn học vai.
“Gừng càng già càng cay”, hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu tuồng, chắc chắn tác giả Đoàn Thanh Tâm sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật.
THÚY HƯỜNG – CÔNG PHƯỢNG