Dịch vụ giao - nhận hàng nhanh: Chạy đua chiếm lĩnh thị phần
Nhiều DN đã nhìn ra cơ hội kinh doanh từ dịch vụ giao - nhận nhanh hàng hóa trong quy trình của thương mại điện tử. Trong cuộc đua chinh phục người tiêu dùng, dịch vụ này ngày càng khẳng định vai trò “bộ mặt” của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Giành thị phần
Hiện nay, dịch vụ giao - nhận nhanh hàng hóa (GNH) đang phổ biến với 2 hình thức: giao hàng thu hộ và giao hàng không thu hộ. Cuộc đua giành thị phần ở các tỉnh có sự tham gia của ngày càng nhiều đơn vị GNH chuyên nghiệp. Năm 2014, dịch vụ Giaohangnhanh.vn của Công ty CP Dịch vụ Giao hàng nhanh (TP Hồ Chí Minh) đến Bình Định. Để tiếp thị hình ảnh, đơn vị vừa tổ chức GNH khách online, vừa làm đối tác cho siêu thị Big C Quy Nhơn. Lúc này, đơn hàng online của Giaohangnhanh.vn chỉ là 5 - 10 đơn hàng/ngày, phần lớn là GNH cho Big C với 50 - 60 đơn hàng/ngày. Đến tháng 8.2017, Giaohangnhanh.vn “ra riêng” để dồn lực cho mảng thương mại điện tử.
Nhân viên của một doanh nghiệp GNH trong tỉnh giao hàng cho khách.
Ông Bùi Tấn Bảo, Quản lý chi nhánh Công ty CP Dịch vụ Giao hàng nhanh tại Bình Định, cho biết: “Hiện nay, Giaohangnhanh.vn thực hiện GNH thành công khoảng 20.000 đơn hàng/tháng tại khu vực Bình Định và đi các tỉnh, thành; lượng đơn hàng tăng bình quân 2.000 đơn hàng/tháng. Từ chỗ chỉ có 7 nhân viên, đến nay riêng bộ phận GNH đã 34 người, có ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Điều này để thấy, Bình Định là một thị trường rất tiềm năng để các DN phát triển dịch vụ GNH”.
Ði cùng dịch vụ GNH do các đơn vị chuyên nghiệp tổ chức, dịch vụ do chính các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh tổ chức vẫn sôi động không kém, dễ thấy nhất là ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh lớn. Ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Ðịnh, cho biết, dịch vụ giao hàng của đơn vị miễn phí trong bán kính 5 km và hóa đơn từ 200 ngàn đồng trở lên. Bình quân, doanh số giao hàng của siêu thị khoảng hơn 200 triệu đồng/ngày. Sắp tới, Co.opmart sẽ mở thêm kênh đặt hàng qua website, ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thị trường dịch vụ GNH tại Bình Định hiện có hơn chục DN trong và ngoài tỉnh; trong đó, phần lớn là đơn vị chuyên nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh, như: Giaohangnhanh.vn, Kerry TTC, Giaonhan247, LazadaExpress… Năm 2017, một cái tên khác trong giới kinh doanh GNH tại TP Hồ Chí Minh là Giaohangtietkiem.vn cũng chính thức có mặt tại Bình Định. Bên cạnh những công ty khởi nghiệp đi hẳn vào dịch vụ chuyên nghiệp, các “ông lớn” trong lĩnh vực dịch vụ chuyển phát như VNPost, Viettel Post… cũng tỏ ra ngày càng quan tâm đến thị trường GNH cho mảng kinh doanh trực tuyến.
Trong sự cạnh tranh từ các DN chuyên nghiệp và có tiềm lực, các DN nội tỉnh hoạt động lĩnh vực GNH vẫn có chỗ đứng nhất định. Ông Đường Tuấn Khang, Giám đốc điều hành Bình Định Express, Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển Đạt Khang (Quy Nhơn) cho biết: “Chúng tôi tập trung vào chăm sóc đối tượng khách hàng nhỏ, sử dụng lợi thế cạnh tranh về giá đi kèm chất lượng dịch vụ, quy trình đơn giản và khả năng thích nghi tốt với thị trường ngóc ngách tại địa phương”.
Không chỉ là giao nhận
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hoạt động kinh doanh trực tuyến chính là khâu giao hàng hóa. Bởi, chủ DN không giao tiếp trực tiếp với khách hàng, nên nhân viên giao hàng cũng được xem như là một “đại diện” cho DN để tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Giới kinh doanh dịch vụ GNH đều có chung nhận định, tốc độ và chất lượng dịch vụ, độ tin cậy luôn là yếu tố quan trọng nhất. Hiện, quy trình GNH đều được thực hiện trong ngày cho tất cả các đơn hàng.
Theo ông Bảo, năm 2017, Giaohangnhanh.vn xây dựng chính sách “an tâm 100%” với 3 tiêu chí: Hàng hóa giao nguyên vẹn, giao hàng đúng giờ, chất lượng nhân viên phục vụ đạt tiêu chuẩn 5 sao để cạnh tranh. “Điểm cộng” là chủ shop giao hàng có thể tự động đăng và quản lý đơn hàng, tự động cập nhật và kiểm tra hành trình, tự động tính và thanh toán tiền thu hộ thông qua các ứng dụng công nghệ. Với khách nhận hàng, nhân viên giao nhận sẽ điện thoại thông báo trước để khách chủ động thời gian, địa điểm.
Xác định thái độ của người GNH dần chiếm một phần quan trọng trong việc tạo nên sự hài lòng, tin cậy của khách hàng đối với DN, các công ty GNH đều đặt ra những quy định mang tính thực tế khi kết nạp những người giao nhận tự do vào mạng lưới hoạt động. Trước hết, mỗi người giao hàng cần có một chiếc điện thoại thông minh và có khả năng kết nối mạng di động 3G, có xe máy, ưu tiên người địa phương… Nhân viên GNH đều phải trải qua khóa đào tạo, huấn luyện kỹ năng tiếp xúc khách hàng và xử lý tình huống. Việc đánh giá nhân viên GNH theo thang, bảng điểm phù hợp với tiêu chí kinh doanh, cũng như kênh đánh giá độc lập từ khách hàng.
“Không đơn giản chỉ là nhận và giao hàng cho khách, dịch vụ GNH đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống ở nhân viên, bên cạnh sự tập trung cao độ trong công việc, siêng năng, trung thực, cẩn thận và biết tạo niềm tin ở khách hàng. Nên, có chuyện cũng nhân viên GNH, nhưng có người giao 100 đơn hàng/ngày, cũng có người chỉ giao được 20 đơn hàng/ngày là vậy!”, ông Khang nói.
THU HIỀN