Phát triển kinh tế tư nhân: Kỳ vọng từ một “hướng mở”
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân thể hiện đường lối, quan điểm nhất quán của Ðảng, Nhà nước đối với thành phần kinh tế này. Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5. Giới doanh nhân trong tỉnh cùng chung nhận định, đó là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và nền kinh tế.
Kịp thời, phù hợp
Nghị quyết Trung ương 5 (NQTW 5) đã nhấn mạnh định hướng phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng và tiếp tục tăng tốc với các thành phần khác. Ở vai trò của người đứng đầu cộng đồng DN của tỉnh, ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch Hội Doanh nhân Đất Võ, chia sẻ: “DN cũng như thanh niên, rất cần động viên, khích lệ. Nghị quyết ra đời là một bước tiến mới. Thực hiện được các nội dung đã đưa ra sẽ khuyến khích phát triển rất tốt KTTN. NQTW 5 là cơ sở để KTTN được bung ra”.
Nhà máy sản xuất ống thép của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen tại khu công nghiệp Nhơn Hòa. Ảnh: N.HÂN
Còn theo bà Đồng Thị Ánh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, NQTW 5 ra đời ở thời điểm phù hợp với bối cảnh KT-XH hiện nay của Việt Nam. Trước kia, chủ trương kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế khác bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới dần hồi phục, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam mở rộng thị trường, vươn ra tầm quốc tế, KTTN không những được xác định là “một trong những động lực của nền kinh tế” mà còn là động lực “quan trọng” của nền kinh tế hiện nay.
Với anh Vũ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, NQTW 5 được xem là sự ghi nhận sâu sắc nỗ lực của cộng đồng KTTN trong hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. “Sân chơi chung của nền kinh tế đang thay đổi, không còn là cuộc chơi của chủ nghĩa cơ hội, cơ chế xin - cho, mà là sự cạnh tranh về công nghệ, kỹ năng quản trị và chuỗi liên kết. Điểm mấu chốt nằm ở năng lực nội tại của DN. Trong đó, doanh nhân trẻ là lực lượng kế cận nòng cốt trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Họ được tiếp nhận một nền tảng giáo dục tốt hơn, trang bị đầy đủ về kỹ năng quản trị, công nghệ và kế thừa phát triển những nét văn hóa DN đặc trưng từ các thế hệ doanh nhân đi trước. Chính vì vậy, sự ra đời của NQTW 5 trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp dành cho cộng đồng KTTN đã sẵn sàng cất cánh!”, anh Quân nhận định.
DN phải chủ động vào cuộc
Chủ trương đã có, quan trọng là quá trình đi vào cuộc sống. NQTW 5 xác định cần “bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTN phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của KTTN; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTN thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, vấn đề đặt ra là tự thân mỗi DN - chủ thể - cũng phải nỗ lực để vươn lên, đặc biệt là với các DN nhỏ, siêu nhỏ.
“Chuyện” của Bình Định
Nhiều ý kiến của DN ghi nhận môi trường kinh doanh, hoạt động trên địa bàn tỉnh khá thông thoáng. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế; đồng thời, tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Những kênh tiếp nhận, giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ cho DN cũng được “mở” ra nhiều hơn, đặc biệt là đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo UBND tỉnh với DN. Nhưng, cần có thêm những cơ chế, chính sách dành riêng cho bộ phận DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ - nhóm đóng vai trò phát triển bền vững trong các ngành dịch vụ và phụ trợ.
Theo bà Đồng Thị Ánh, DNTN thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh để tồn tại và phát triển. Khi chủ trương của Đảng tạo thuận lợi, DNTN yên tâm hơn, có niềm tin vào chính sách ổn định lâu dài của Đảng, cùng với cách điều hành kinh tế chuyên nghiệp của Nhà nước thì DNTN sẽ có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, DNTN cần nâng cao năng lực quản lý, đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ mới phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Mỗi DN phải nhận thức được việc đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Văn Học cho rằng, đổi mới tư duy được coi như chìa khóa mở ra những hướng đi mới giúp DN sẵn sàng hội nhập. Quá trình hoạt động luôn đặt vấn đề đổi mới trong DN. “Văn hóa của DN là được quyền tự hào nhưng không bao giờ được tự mãn. Nếu DN cứ hài lòng với những gì đang có, không đổi mới về tư duy lãnh đạo thì sẽ không có cái mới”, ông Học bày tỏ.
Còn anh Vũ Hồng Quân khẳng định, cộng đồng doanh nhân trẻ đang bước vào thời kỳ lợi thế cạnh tranh dựa trên giá trị cốt lõi của sản phẩm. Khi sự tiếp cận các nguồn lực xã hội ngày càng minh bạch, công bằng thì sự thành công của mỗi DN nằm ở kỹ năng quản trị, công nghệ, và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tư duy xây dựng cộng đồng DN lành mạnh (các tổ chức xã hội - nghề nghiệp) nên được đề cao trong tình hình KT-XH biến động ngày nay. Bởi, khi tính đại diện của các tổ chức được đảm bảo, quyền lợi của cộng đồng ấy sẽ được bảo vệ trong quá trình phản biện chính sách. Và cần lưu ý rằng, khi xã hội khẳng định lại vai trò và vị thế của doanh nhân trong công cuộc phát triển đất nước, thì cũng là trách nhiệm mà mỗi doanh nhân phải nhận thức được ở mục đích sản xuất kinh doanh.
THU HIỀN