9 “điểm nghẽn” chính sách
NQTW 5 thẳng thắn nhìn nhận “việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển KTTN còn hạn chế, yếu kém”. Bà Ðồng Thị Ánh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh cho rằng, 9 “điểm nghẽn” chính sách được chia làm 3 nhóm: cần xử lý ngay lập tức, trung hạn, lâu dài.
* Cụ thể của các nhóm vấn đề đó là gì, thưa bà?
- Với nhóm cần xử lý ngay lập tức gồm 3 lĩnh vực. Về đất đai, các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp; việc giải phóng nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế, vấn đề đổi mới chính sách đất đai gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng còn yếu kém, biểu hiện qua việc xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại “được” mua lại với giá 0 đồng. Cùng với đó là bộ máy hành chính rườm rà, kém hiệu quả.
Nhóm xử lý trong trung hạn là các vấn đề: Rủi ro kinh tế vĩ mô, chính sách thuế và cấp phép kinh doanh. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến việc thực thi hợp đồng ở Việt Nam đang rất yếu, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Với nhóm cần xử lý lâu dài, nổi bật là vấn đề cơ sở hạ tầng, nhu cầu đầu tư lớn trong khi huy động nguồn lực khó khăn, đầu tư chưa cân đối giữa các lĩnh vực, đang tập trung nhiều vào đường bộ, chi phí xây dựng lớn, công nghệ mới áp dụng chưa nhiều. Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Thị trường thiếu tính đổi mới sáng tạo, thiếu cạnh tranh.
* Những “điểm nghẽn” chính sách đó tác động như thế nào đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển KTTN?
- Rõ ràng, các “điểm nghẽn” đó đã dẫn đến nhiều “hệ lụy”. Cụ thể, chưa thật sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực để phát triển (vốn, dự án, thị trường, đất đai, nhân lực...). Chưa hoàn thiện và công khai, minh bạch hệ thống thông tin KT-XH, cơ sở dữ liệu, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển, cơ chế, chính sách quản lý để tạo điều kiện cho DN tiếp cận khai thác, sử dụng...
*Xin cảm ơn bà!
MAI HOÀNG (Thực hiện)