Chương trình phát thanh tiếng Hrê: Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Hrê
“Thưa dig dàng oh daq plày plèm! Khen bài oh daq plày chèm tamàng Chuong trinh thơi sư và Hrê cua Ðai Truyen thanh An Lau hì kô...” (“Thưa đồng bào và các bạn! Mời đồng bào và các bạn lắng nghe chương trình thời sự tiếng Hrê của Đài Truyền thanh An Lão hôm nay...”).
Tiếng loa phát thanh ngân vang cùng giọng đọc trầm ấm của phát thanh viên Chương trình phát thanh tiếng Hrê của Đài Truyền thanh huyện An Lão đã trở nên quen thuộc với bà con dân tộc Hrê nơi đây.
Thêm yêu tiếng mẹ đẻ
Mặc dù đồng bào Hrê đa phần đều biết tiếng Kinh, song khi nghe các bản tin được thể hiện bằng tiếng “mẹ đẻ” xen lẫn những giai điệu dân ca Hrê ấm áp quen thuộc, họ thêm yêu, thêm tự hào về tiếng nói và nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
“Sau một thời gian phát sóng, chúng tôi thấy bà con đều thích thú và yêu chuộng chương trình này. Đây là động lực để đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên chương trình phát thanh tiếng Hrê tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng của chương trình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, ông Nguyễn Công Việt, Phó trưởng Đài Truyền thanh huyện, chia sẻ.
Xác định đối tượng tiếp nhận là đồng bào dân tộc Hrê, nên các biên tập viên gia công để tin, bài đảm bảo ngắn gọn, ngôn từ gần gũi, dễ hiểu, song vẫn phải phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, biên tập viên còn phải nắm bắt được các nét đặc trưng về đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào Hrê để có cách viết chân thực, phù hợp nhất.
Chị Đinh Thị Ham, người chuyển ngữ kiêm phát thanh viên chương trình phát thanh bằng tiếng Hrê (Đài Truyền thanh huyện), cho biết: “Trong quá trình sản xuất, nặng công nhất là khâu biên tập và chuyển ngữ tin, bài. Để thực hiện tốt công đoạn này, người biên tập không chỉ đảm bảo dịch đúng mà còn phải dịch sao cho súc tích, dễ hiểu theo lối suy nghĩ, cảm nhận của đồng bào. Ngoài ra, biết đồng bào Hrê rất thích nghe làn điệu dân ca dân tộc mình trên sóng, các biên tập viên đã sưu tầm nhiều làn điệu dân ca Hrê để lồng ghép vào chương trình, qua đó thu hút sự chú ý lắng nghe của đông đảo bà con!”.
“Nhờ cán bộ thôn tới hỏi Ðài để biết rõ hơn”
Nhiều năm qua, đồng bào Hrê đã có thói quen nghe đài khi làm ruộng, lên nương, gần như đồng bào mở đài cả ngày. Chương trình phát thanh tiếng Hrê của Đài Truyền thanh huyện ra đời đã lâu, nhưng niềm hứng khởi dành cho chương trình vẫn cứ tươi nguyên. Nhiều hộ gia đình cho biết, họ sắp xếp công việc sao để đến khi Chương trình lên sóng là họ nghỉ hết mọi việc, chỉ còn nghe đài.
Phục dựng lễ cúng bến nước của đồng bào Hrê, một hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội VH-TT các dân tộc miền núi Bình Định. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Nhiều người Hrê mà tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cho biết, họ nghe đài truyền thanh, đặc biệt là chương trình Hrê không chỉ để nắm bắt thông tin đời sống xã hội, học tập theo nếp sống mới, văn minh hơn, mà còn để biết các phương pháp trồng trọt, chăn nuôi mới thông qua các bản tin khoa học - kỹ thuật trên sóng.
An Lão là huyện vùng cao có hơn 70% là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Hrê. Chương trình phát thanh tiếng Hrê phát chính thức vào tối thứ 4, sáng và trưa thứ 5 hàng tuần, với thời lượng 30 phút. Chương trình đáp ứng nhu cầu cơ bản các thông tin thời sự, chính trị tổng hợp, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, các vấn đề xã hội, gương người tốt việc tốt… cho thính giả là đồng bào dân tộc Hrê địa phương.
Anh Đinh Văn Rơm (ở thôn 2, thị trấn An Lão) bày tỏ: “Mình thường xuyên nghe chương trình của Đài Truyền thanh huyện, và thích nhất là chương trình tiếng dân tộc mình. Mình cũng như nhiều bà con học được từ đó nhiều thứ lắm, cái gì muốn biết kỹ hơn thì nhờ cán bộ thôn tới hỏi Đài để biết rõ hơn, từ đó áp dụng để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sóng phát thanh mà mình nhớ được nhiều bài dân ca Hrê, càng thêm yêu quê hương, làng xóm của mình!”.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đồng bào, Đài Truyền thanh huyện đã có kế hoạch tăng cường phát các bản tin khoa học- kỹ thuật, đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa tính ứng dụng của thông tin trên sóng phát thanh tiếng Hrê. “Chúng tôi cố gắng để Chương trình trở thành một kênh kết nối đồng bào với các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Hrê”, ông Nguyễn Công Việt nói.
DIỆP THỊ DIỆU