Chân thành Mang Viên Long (*)
Đến giờ, theo công bố của chính tác giả Mang Viên Long, từ năm 1969 đến nay (2017) ông đã in tròn 30 tập sách. Có năm như năm 2015, Mang Viên Long ra mắt bạn đọc tới 4 tập truyện. Nhưng đây là lần đầu tiên ông cho in một tập thơ. Điều này khiến một kẻ khỏe tò mò như tôi tìm Hạt sương đêm để đọc.
Mang Viên Long kể, lần đầu tiên đến với văn chương, hầu như ai cũng “làm thơ”, bản thân ông cũng vậy. Tác phẩm đầu tiên của ông được đăng báo vào năm 1960 là thơ. Nhưng sau đó, gần như Mang Viên Long tập trung viết truyện. Và có thể nói ông thành danh trên địa hạt văn xuôi. Sau năm 1975, vì nhiều lý do, Mang Viên Long ngừng viết truyện, ngừng xuất bản. Nhưng như ông tâm sự: “Thời gian này tôi thường làm thơ hơn, và đã ghi lại trong 2 tập gọi là Nhật ký thơ. Tất cả gồm trên 200 bài thơ, (nhiều thể loại) theo từng dấu chân lang bạt, từng mốc thời gian của đời sống tôi…”.
Mới đây, sau gần một tháng bị đau nặng, bác sĩ yêu cầu ông “nghĩ dưỡng” và Mang Viên Long quyết định cho xuất bản tập thơ mà ông định giữ cho riêng mình.
Hạt sương đêm gồm những bài thơ 4 câu viết từ năm 1985 đến năm 2009. Tuy định danh là “nhật ký” nhưng tác giả không xếp đặt theo mốc thời gian. Có thể đang từ năm 1985 lại nhảy tới năm 1997, 2001 rồi quay lại 1989, sau đó lại băng qua năm 2001, 2004. Mới lướt qua sẽ có cảm giác Mang Viên Long rất quan tâm tới Phật giáo, khung cảnh, ngôn ngữ, hình ảnh nhuốm màu cửa thiền, thoát ly đời sống xô bồ - Đêm về có tiếng chuông ru,/ sáng ra chuông gọi thiên thu giấc nồng/Trăm năm vang dội hư không/ Núi rừng ấp ủ tình chung một nhà (Tiếng chuông chùa Phổ Minh) hoặc - Nghĩ lại bao năm đã quá ngu/ Tưởng là mọi thứ của mình thôi/ Nào hay dần mất theo năm tháng/ Chạnh biết, thì ra tóc bạc rồi (Nhìn lại).
Có vẻ như trong giai đoạn “ngừng viết truyện” Mang Viên Long đã đưa mình vào không gian tu tập riêng, theo không gian dịch chuyển ông là một hành giả? Nghĩ như vậy không phải là vô lý. Nhưng nếu để ý chi tiết “không xếp đặt theo mốc thời gian” sẽ thấy bật lên sắc độ khác. Trong suốt hơn 20 năm của Hạt sương đêm, dù ở mốc thời gian nào, Mang Viên Long vẫn toát lên chân thành, thủy chung. Có thể thấy điều này ở Quà Xuân - Tặng em một chút nắng mai/ Chút hơi gió lạnh, chút mai nở vàng/ Tặng em một chút bàng hoàng/ Trời xuân lồng lộng rộn ràng tin yêu!
Lần theo những trang nhật ký 4 câu, ta nhiều lúc thấy bùi ngùi cho một thân phận. Mang Viên Long cơ cực, lận đận, Mang Viên Long nặng nợ áo cơm. Nhưng cũng theo đó, lại thấy một Mang Viên Long vẫn giản dị, yêu đời; vẫn lạc quan nhìn về phía trước đầy tươi vui, hy vọng; vẫn tin yêu vào bè bạn và lòng tốt. Nếu không vậy sẽ không thể viết được như thế này - Sân nhà rộng ánh trăng/ Ngõ xa tiếng chuông gọi/ Ta ngồi yên một mình/ Trăng vàng từng gáo dội (Trăng).
Đọc nhật ký của một người là lội vào tâm hồn, tư tưởng của người ấy. Đọc Hạt sương đêm - nhật ký thơ 4 câu, từng trang một, từng bài một, càng lần giở ta càng thấy thấp thoáng bóng dáng một Mang Viên Long chân thành, đôn hậu và đáng mến.
BÁ PHÙNG
(*) Đọc Hạt sương đêm, nhật ký thơ 4 câu của Mang Viên Long, NXB Hội Nhà văn 9.2017.