An toàn giao thông đường sắt: Còn nhiều mối lo
Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Bình Ðịnh dài 136 km, qua địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố. Trên tuyến có khoảng 220 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có trên 150 đường dân sinh và lối đi trái phép mất an toàn.
Theo thống kê, TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng cả về số vụ lẫn số người chết: Năm 2015 xảy ra 7 vụ, làm chết 5 người, bị thương 4 người; năm 2016 xảy ra 8 vụ, làm chết 6 người, bị thương 2 người; từ đầu năm 2017 đến nay xảy ra 5 vụ, làm chết 7 người, bị thương 4 người. Phần lớn những vụ TNGT nói chung và TNGT đường sắt nói riêng có nguyên nhân từ lỗi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như còn chủ quan, chưa chấp hành quy định về ATGT.
Đường ngang giao với đường sắt, đoạn tại km 1126+500 (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) còn nhiều bất cập, khiến khu vực này thường xảy ra TNGT.
Bên cạnh đó, những bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông cũng góp phần không nhỏ gây mất ATGT đường sắt. Đơn cử điểm giao cắt đường bộ với đường sắt tại km 1126+520 thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Canh Thuận, huyện Vân Canh. Điểm giao cắt này được xây dựng theo hình thức đường ngang có biển báo vì lưu lượng người qua lại không nhiều. Tuy nhiên, từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vân Canh đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày có đến 70 chuyến xe chở hàng cho nhà máy đi qua, chưa kể hơn 200 công nhân làm việc trong nhà máy và người dân địa phương qua lại. Lưu lượng người và phương tiện giao thông qua điểm giao cắt này gia tăng đột biến, trong khi đó, điểm giao cắt lại bị che khuất và chỉ có đèn tín hiệu chớp vàng (gần đây, để đảm bảo an toàn Công ty CP đường sắt Phú Khánh đã bố trí thêm người gác).
Hay như, đoạn giao cắt tại km 1080+570 (thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) lại khá rộng, dẫn đến khúc cua của ô tô sát với đường sắt gây mất an toàn. Do đó, ngành chức năng đã tiến hành rào chắn, thu hẹp lối đi nhằm đảm bảo an toàn, song người dân liên tục phá rào để đi lại cho thuận tiện.
Trước những bất cập về hạ tầng dẫn đến nguy cơ mất ATGT đường sắt, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm, do UBND tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu đã nêu lên một số giải pháp. Theo ông Nguyễn Thái Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường sắt Nghĩa Bình, để đảm bảo ATGT đường sắt, nhất là tại các điểm giao cắt, tỉnh nên phối hợp với Công ty bố trí người trực tại những điểm có biển báo cảnh giới vào lúc cao điểm chạy tàu. Ngoài ra, tại 5 điểm có nguy cơ cao về mất ATGT đường sắt nhưng chưa làm đường gom thì địa phương cũng nên bố trí người gác theo nguyên tắc phối hợp.
Còn ông Lê Công Tuệ, Đội phó đội đường sắt Vân Canh, Công ty CP đường sắt Phú Khánh, đề xuất: “Tại những điểm giao cắt mất an toàn, cần phối hợp khảo sát lại để mở rộng đường, bố trí cần chắn, đèn tín hiệu đầy đủ. Những điểm “nóng” thì cần bố trí thêm người gác và có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc nắm lịch chạy tàu mà cảnh giới kịp thời và đảm bảo”.
Hiện nay, tại một số địa phương, việc giải tỏa tầm nhìn cho cả đường bộ và đường sắt tại khu vực đường ngang chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương thiếu kinh phí và chưa chủ động hoặc phối hợp với Công ty quản lý đường sắt và cơ quan quản lý đường bộ thực hiện các biện pháp cưỡng chế, cấm ô tô và phương tiện cơ giới qua lại các đường ngang tự mở. Đặc biệt, ý thức tuân thủ luật giao thông khi đi qua đường ngang giao với đường sắt của người dân vẫn còn rất hạn chế… Đây chính là những yếu tố cốt lõi khiến trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh thời gian qua bất an.
K.ANH