Lão nông trồng rau theo công nghệ mới
Sự năng động và tư duy đổi mới không hẳn là “độc quyền” của giới trẻ. Lão nông Ba Thành, ở thôn Diễn Khánh, xã Hoài Ðức (Hoài Nhơn) đã chứng minh điều đó khi bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, khi đã ở tuổi 67.
Qua khỏi cầu Chun thuộc thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức về phía Nam chừng 1 km, đi theo đường mòn đi vào sâu vài trăm mét, sẽ bắt gặp trên lưng chừng đồi một vườn rau trồng trong nhà kính. Vườn rau này là của lão nông Ba Thành và đang vào vụ thu hoạch.
Ông Ba Thành cùng con trai làm giàn lưới cho khổ qua.
Sau khi được người nhà dẫn lên vườn, đẩy nhẹ cánh cửa nhà kính, chúng tôi gặp ông Ba Thành chân tay lấm lem bùn đất, đang cùng với các con vun gốc, bắt giàn lưới cho khổ qua bò lên. Mặc dù đã cao tuổi nhưng ở ông vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, tràn đầy sức sống. Có khách đến thăm vườn rau, ông hồ hởi khoe: “Toàn bộ vườn rau của tôi được bao bọc kĩ bằng màn nhà kính do hãng Ginegar (Israel) sản xuất, vừa ngăn cản côn trùng vào gây hại vườn rau, vừa đảm bảo những điều kiện cần thiết về độ ẩm, ánh sáng, bên cạnh đó hệ thống tưới nước tự động giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt”.
Ông Thành cho biết, do gia đình đông con, cuộc sống khá vất vả nên từ những năm 1990, vợ chồng ông cùng các con vào đây sinh sống, khai hoang để trồng lúa, trồng rau. Nhưng do ở gần rừng, bị chuột cùng một số loài thú gặm nhấm cắn phá nên năng suất không đạt. Đến năm 2005, vợ chồng ông chuyển sang đầu tư 150 gốc bưởi da xanh và 100 cây cam sành, nay còn lại hơn 100 cây vẫn đang cho thu hoạch. Sau một thời gian tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, tháng 5.2017, ông chuyển sang đầu tư 4 vườn rau trong nhà kính, với tổng diện tích 2.000 m2, kinh phí ban đầu khoảng trên 500 triệu đồng.
Ông Thành chia sẻ tiếp: “Làm rau an toàn khổ lắm, vì tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc nên tốn rất nhiều công. Ngoài 4 lao động trong nhà, tôi còn thuê thêm 3 lao động bên ngoài cùng làm, cả ngày vợ chồng con cái loanh quanh ở vườn rau”.
Với 4 vườn rau trong nhà kính, bình quân mỗi ngày gia đình ông cung ứng ra thị trường từ 100 - 200 kg rau các loại như: Bầu, bí, dưa leo, khổ qua, cà tím, các loại rau ăn lá… Tuy nhiên, do chi phí đầu tư và công chăm sóc khá cao nên giá các loại rau bán ra thị trường cao hơn từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với giá các loại rau canh tác theo phương thức truyền thống. Vì vậy, khách hàng của ông còn khá ít, chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn xã, huyện. Một số người còn đến tận vườn để xem quy trình gia đình trồng rau mới yên tâm mua về dùng.
Ông Ba Thành cho biết thêm: “Các con tôi đang liên hệ với các cơ quan chức năng để tiến hành xây dựng thương hiệu cho vườn rau cũng như đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, chi phí khá cao và cũng khá rườm rà nên mong rằng phía Nhà nước có thể nghiên cứu hỗ trợ thêm cho gia đình cũng như hướng dẫn thêm về kỹ thuật để gia đình hoàn thiện quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Ngoài trồng rau, hiện nay gia đình ông Ba Thành còn nuôi khoảng 100 con heo thịt hướng nạc, 50 con heo nái cùng chục con bò thịt.
Với việc dám nghĩ, dám làm, ông Ba Thành đã tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình và lao động bên ngoài với mức thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Với những nỗ lực trong vượt khó sản xuất kinh doanh giỏi, đầu tháng 10.2017 ông Ba Thành được Hội Nông dân huyện Hoài Nhơn biểu dương là cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào “Nông dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2017”.
ÁNH NGUYỆT