Bất cập đến bao giờ?
Những năm gần đây, cứ vào năm học mới thì bên cạnh các mối lo toan về trường lớp, học phí, tập vở, bút mực, đồng phục, tiền xây dựng trường, nộp quỹ hội phụ huynh... thì các bậc phụ huynh và học sinh có thêm nỗi lo thiếu sách giáo khoa. Lý do thì dễ hiểu nhưng khó… thông cảm: sách giáo khoa thường thay đổi nội dung nên các nhà xuất bản không dám in nhiều vì sợ ế (!). Thế nên, cứ vào năm học mới những ai chậm chân sẽ khó tìm được đủ bộ sách cho con em học tập.
Không hiểu sao đã trải qua rất nhiều thời gian, qua rất nhiều bàn thảo từ giới chuyên môn, các cấp quản lý, thậm chí đã vào cả nghị trình của Quốc hội, nhưng đến nay việc in ấn, phát hành sách giáo khoa vẫn “chuyện dài nhiều tập” nhưng chưa thấy hồi kết của ngành giáo dục(!). Nếu biết rằng, trong 10 năm qua, các cơ quan nhà nước đã ban hành tới 461 văn bản quy định về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì không ít người sẽ… “té ngửa” vì điều khó tin nhưng có thật này.
Điều thật đáng buồn là cho đến nay chất lượng sách giáo khoa vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Trước đây, khi chưa có đổi mới, cải cách giáo dục nhiều như bây giờ, một bộ sách giáo khoa in ra được dùng cho rất nhiều thế hệ học trò. Vì vậy, nếu nhà đông con cha mẹ cũng chỉ cần mua một bộ sách về là anh em chuyền nhau mà học cho đến khi hết người đi học sách vẫn không bị lạc hậu. Bây giờ, sách ra năm trước, năm sau đã phải chỉnh lý, thành thử quả là một sự lãng phí khủng khiếp, nhất là trong điều kiện kinh tế không mấy dồi dào như nước ta. Mà có giàu có cỡ nào đi chăng nữa thì cũng không nên và không thể lãng phí theo kiểu xài sang vô lối như thế!
Mới đây, Nhà xuất bản giáo dục cho ra mắt ấn phẩm sách giáo khoa điện tử lớp 12, có tiện ích rất lớn là có thể cập nhật kiến thức thường xuyên, đồng thời cũng dễ dàng chỉnh lý nội dung nếu cần. Các nhà quản lý giáo dục kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho lộ trình đổi mới sách giáo khoa Việt Nam vào năm 2015. Tuy nhiên, với giá trên 4 triệu đồng, sách giáo khoa điện tử khó có thể hoàn toàn thay thế sách giáo khoa thông thường, nhất là với rất nhiều học sinh ở khu vực nông thôn. Vì vậy, trong năm học này và có thể còn nhiều năm tới, vẫn cần phải có những bộ sách giáo khoa in bảo đảm chất lượng đáp ứng cho nhu cầu thực tế.
Do vậy, vấn đề cần thiết là ngành giáo dục cần có khung chương trình chuẩn để định hình được nội dung sách giáo khoa. Có như vậy các nhà xuất bản mới yên tâm in đủ số lượng đáp ứng nhu cầu, nếu năm này có dư thì qua năm sau vẫn tiếp tục sử dụng, nhà kinh doanh không thua lỗ, xã hội cũng tránh khỏi sự lãng phí rất lớn vì có thể sử dụng nhiều năm chứ không còn cảnh xài sang “mỗi năm một bộ sách” nữa. Đồng thời, để hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng sách giáo khoa, cũng cần loại bớt những kiến thức không cần thiết trong chương trình để giảm tải cho cả thầy và trò.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Sự nghiệp “trồng người” sẽ khó có thể hoàn thành sứ mệnh của mình nếu như một phần quan trọng trong đó là sách giáo khoa vẫn còn bất cập!
HẢI ĐĂNG