Nỗi lo sạt lở núi trong lòng hồ Vạn Hội
Hồ chứa nước Vạn Hội (xã Ân Tín, Hoài Ân) có dung tích thiết kế 14,5 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho 1.100 ha đất nông nghiệp tại địa phương. Thế nhưng, từ đợt mưa lũ năm 2016, tình trạng sạt lở núi trong vùng lòng hồ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến an toàn công trình, đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống ở vùng hạ lưu.
Chất lượng hoạt động của hệ thống mái thượng lưu, tràn xả lũ của hồ chứa nước Vạn Hội sẽ bị đe dọa khi có mưa lớn, kèm theo hiện tượng sạt lở núi trong lòng hồ.
Lo sạt lở núi
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa nước Vạn Hội), tháng 12.2016, sau một đợt mưa lớn kéo dài, một phần núi nằm ở phía thượng lưu bờ trái đập hồ Vạn Hội bị nứt, sạt lở. Hàng chục ngàn khối đất, đá đã đổ vùi xuống lòng hồ, cách cửa tràn xả lũ khoảng 300 m. Sự cố này đã làm hư hỏng toàn bộ cổng trục, phai phụ, lan can và đường ống dẫn dầu thủy lực cửa tràn số 3. Hệ thống đường dây điện phía hạ lưu cũng bị tê liệt, đồng thời, máy phát điện dự phòng bị hỏng.
Sau sự cố, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục tạm thời một số hạng mục bị thiệt hại. Song điều đáng lo ở thời điểm này là còn hàng trăm ngàn m3 đất, đá từ vách núi đổ xuống lòng hồ chưa được nạo vét, thu gom để trả lại dung tích chứa ban đầu cho hồ.
Theo ghi nhận, dãy núi nằm trong khu vực lòng hồ Vạn Hội đã bị sạt lở trên diện tích khá lớn. Các vết nứt, đứt gãy dài chừng 20 - 30 m nằm cách tràn xả lũ chừng 300 m còn hiện hữu rõ nét. Theo đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa, trong mùa mưa lũ sắp tới, nếu xảy ra mưa với lưu lượng từ 400 - 500 mm, nguy cơ núi tiếp tục bị sạt lở là rất lớn. Nếu sự cố xảy ra, cộng dồn với khối lượng đất, đá cũ chưa thu dọn sẽ làm thu hẹp dung tích hồ chứa, đẩy áp lực nước tăng lên, làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành, điều tiết lũ; đặc biệt là hệ thống tràn xả lũ, tiềm ẩn nguy cơ vỡ hồ.
Ông Huỳnh Sáu, trưởng thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, lo lắng: “Riêng thôn Vạn Hội 1 có khoảng 500 hộ dân sống dưới hạ lưu hồ Vạn Hội. Hiện nay đang bước vào mùa mưa lũ, mà hồ chưa được nạo vét nên bà con ai cũng lo lắng”.
Thiếu kinh phí để khắc phục
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, nhận xét: Tình trạng sạt lở núi trong lòng hồ Vạn Hội là đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho công trình, đe dọa đến cuộc sống, tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các xã: Ân Tín, Ân Thạnh, Ân Mỹ. Để kịp thời khắc phục hiện tượng này, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xem xét và có giải pháp khắc phục để ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại. Trước mắt, UBND huyện đã đề nghị đơn vị quản lý hồ chứa có phương án giảm tích nước hồ chứa trong mùa mưa lũ, đồng thời tăng cường các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Còn ông Nguyễn Văn Phú cho biết thêm, hiện tượng sạt lở núi trước tràn xả lũ hồ chứa nước Vạn Hội là hiện tượng chưa từng xảy ra ở các công trình hồ chứa trong tỉnh. Hầu hết lượng bùn lỏng sau khi sạt lở núi xảy ra đã đẩy ra tới cửa tràn; khối lượng đất, đá kết tinh nằm cách cửa tràn chừng 200 m. Nếu không kịp thu gom, lượng đất, đá này sẽ đẩy ra cửa tràn khi có mưa lớn. Lúc đó, tràn xả lũ sẽ gặp nhiều rủi ro, bất trắc. Để nạo vét, thu gom khối lượng đất, đá này phải tốn khoảng 10 tỉ đồng, khoản kinh phí này Công ty khó lòng kham nổi. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả và phòng ngừa những nguy cơ tiếp theo, Công ty đã đầu tư 2 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp lại các hạng mục hạ tầng, thiết bị máy móc bị hư hỏng, việc này sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Đối với việc khắc phục hiện tượng sạt lở núi, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã khảo sát, tính toán khối lượng đất, đá bị bồi lấp trong lòng hồ, báo cáo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh cùng các đơn vị có liên quan xem xét, cho chủ trương nạo vét. Tuy nhiên cái khó hiện nay là nguồn kinh phí để tiến hành nạo vét không có.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ xin ý kiến của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện nạo vét khối lượng đất, đá đang bồi lấp trong lòng hồ. Về lâu dài, Công ty đề nghị Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan chuyên môn có liên quan của tỉnh hỗ trợ đánh giá về mức độ ổn định của vùng trượt, lở núi trong lòng hồ để có giải pháp thích hợp, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa và hạ du”.
TRỌNG LỢI