Giao lưu trực tuyến về chính sách người có công với cách mạng: Thêm cơ hội tương tác, tuyên truyền
Ngày 6.10 vừa qua, Sở LÐ-TB&XH phối hợp Sở TT&TT tổ chức giao lưu trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh về chính sách người có công với cách mạng và thu hút sự quan tâm của người dân và cán bộ làm công tác chính sách người có công tại cơ sở.
Có 67 câu hỏi liên quan đến những vướng mắc về chế độ chính sách người có công với cách mạng (NCC). 42 câu hỏi trong số này đã được giải đáp ngay tại buổi giao lưu trực tuyến. Phần lớn các câu hỏi liên quan đến chế độ ưu đãi cho NCC đều được gửi đến từ thế hệ con, cháu của NCC.
Cán bộ Sở LĐ-TB&XH và Sở TT&TT trả lời các câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến.
Giải đáp và hướng dẫn
Trường hợp của ông Lê Văn Toại là một ví dụ, ông Toại cho biết: “Bố tôi nghỉ hưu năm 1979, mất năm 1993. Mới đây, tôi về quê Quảng Ngãi, nơi bố tôi hoạt động cách mạng trước đây, tình cờ đọc cuốn Lịch sử Đảng bộ xã trong đó có ghi bố được kết nạp Đảng từ tháng 7.1945. Khi tôi mang cuốn Lịch sử Đảng bộ đó làm căn cứ đề nghị công nhận bố tôi là cán bộ lão thành cách mạng thì cơ quan chức năng trả lời là chỉ có thể xem xét công nhận bố tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa vì lịch sử Đảng bộ không ghi bố hoạt động trước ngày 1.1.1945”.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NCC Sở LĐ-TB&XH, trả lời: “Tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định một trong những điều kiện để được công nhận người hoạt động cách mạng trước 1.1.1945 (cán bộ lão thành cách mạng) là: “Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19 tháng Tám năm 1945”. Như vậy, bố của ông Toại vẫn thuộc diện được xem xét công nhận là cán bộ lão thành cách mạng”.
Trong khi đó, ông Lê Khương lại quan tâm đến chế độ BHYT cho người được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Mẹ ông là cán bộ hưu trí sử dụng thẻ BHYT mã HT, đồng chi trả 5%. Năm 2000, bà được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì. “Vậy, mẹ tôi có được miễn 100% chi phí BHYT không?”, ông Khương hỏi. Chuyên viên Phòng NCC, ông Trần Văn Thiêm khẳng định: Theo Điều 31, Điều 32 Pháp lệnh ưu đãi NCC, trường hợp này vẫn được chuyển đổi hưởng 100% chi trả phí khám chữa bệnh và đề nghị gia đình liên hệ cơ quan BHXH để được hướng dẫn cụ thể.
Nhiều câu hỏi khác liên quan đến các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, chế độ thờ cúng liệt sĩ, chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chế độ bị địch bắt tù đày, việc cấp lại giấy khen, bằng khen... của thân nhân NCC đã được giải đáp và hướng dẫn cụ thể.
Thêm cơ hội tương tác
Đây là lần đầu tiên có một buổi giao lưu trực tuyến về chính sách ưu đãi NCC trên địa bàn tỉnh. 67 câu hỏi lần này liên quan đến những vướng mắc trong giải quyết chế độ chính sách NCC mà cấp cơ sở chưa tháo gỡ kịp thời. Ngành LĐ-TB&XH thông qua giao lưu trực tuyến có thể nắm bắt lại những vấn đề nóng tại cơ sở. Cán bộ làm công tác NCC ở cơ sở cũng có thể thông qua những tình huống và giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến để tham khảo, áp dụng trong công tác hướng dẫn NCC và thân nhân của họ.
“Quan điểm của phòng là sẽ tham mưu lãnh đạo Sở để có thể tổ chức thêm các buổi giao lưu trực tuyến khác nhằm tận dụng tính tương tác cao của phương thức này để kịp thời giải đáp các thắc mắc, phổ biến chính sách đến đông đảo người dân”, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NCC trao đổi.
Liên quan đến 25/67 câu hỏi chưa giải đáp kịp trong buổi giao lưu trực tuyến, Phòng NCC sẽ trả lời bằng văn bản cho Sở TT&TT để tiếp tục đăng tải trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh hoặc trả lời trực tiếp trên website của Sở LĐ-TB&XH.
NGUYỄN MUỘI