Nếu chỉ sinh 2 con, dân số sẽ mãi “già”?
Việc nới lỏng mức sinh giúp tránh nguy cơ dân số “chưa giàu đã già”, nhưng lại có thể dẫn tới cảnh “nhà nghèo đông con”.
Việt Nam hiện đang trải qua thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ người đang trong độ tuổi lao động chiếm phần lớn.
Nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa giao thoa dân số và sẽ sớm bước vào thời kỳ dân số già.
Số liệu công bố tại Hội nghị về chính sách chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25% dân số.
Dân số Việt Nam già hoá nhanh (Ảnh minh hoạ)
Sinh ít con liệu có giàu hơn?
Có một điều khá mâu thuẫn, nếu như các nước phát triển trên thế giới phải mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển sang giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất 22 năm để bước vào giai đoạn này.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tỷ suất sinh và tỷ suất tử giảm cùng với tuổi thọ tăng, dân số cao tuổi Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số. Nước ta đang bước vào thời kỳ “già hoá dân số”, đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”, bỏ lỡ cơ hội của “thời kỳ dân số vàng”.
Một vấn đề đặt ra là Việt Nam có nên duy trì chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con như hiện nay hay nới lỏng chính sách dân số để nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn? Trên cơ sở này, tại Hội trị Trung ương 6 đang diễn ra, Bộ Y tế đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh.
Theo đó, phương án 1: Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt, vận động các cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt. Ở những nơi đang sinh nhiều con thì vận động sinh ít đi để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, còn ở những nơi có tỷ lệ sinh thấp thì vận động nâng mức sinh lên.
Phương án 2: Tiếp tục chính sách mỗi gia đình chỉ sinh 1-2 con nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số.
Phương án 3: Cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).
Xoay quanh việc có nên điều chỉnh mức sinh hay không, hiện nay cũng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân.
Chị Trần Ngọc ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam đang trôi đi trong khi chúng ta vẫn chưa đạt được bước phát triển nhảy vọt nào. Việc duy trì chính sách mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con sẽ khiến quá trình già hoá dân số ở thành thị diễn ra nhanh hơn, trong khi đó ở nông thôn, vùng sâu vùng xa tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch vẫn tiếp diễn. Về lâu dài, tình trạng này sẽ kìm hãm sự phát triển chung của cả nước, khiến chất lượng sống của người dân giảm đi và dẫn đến một hệ quả khác là chất lượng con người suy giảm, các chỉ số về sức khoẻ cũng sẽ bị tụt hậu so với các nước khác. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần có một chính sách linh hoạt để cân bằng giữa mức sinh và già hóa dân số”.
Cũng đồng tình với ý kiến trên, chị Lan Anh (34 tuổi), hiện đang công tác tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, cho rằng phương án điều chỉnh mức sinh linh hoạt sẽ tối ưu nhất: “Với tình hình giáo dục và kinh tế hiện nay, theo tôi để tốt nhất cho sự phát triển của trẻ thì mỗi gia đình nên sinh 2 con là hợp lý. Bây giờ có thể có những nhà có điều kiện kinh tế tốt hơn thì họ có nhu cầu sinh nhiều hơn hai con, có thể ba hoặc bốn con, nhưng nếu điều kiện kinh tế đáp ứng được nhu cầu đó thì đó cũng là nhu cầu rất chính đáng”.
Nhiều người nghĩ rằng có nhiều con thì về già sẽ được chăm sóc tốt hơn, nhưng thực thế không hẳn như vậy: “Cái này là quan niệm từ xưa rồi nhưng tôi thì nhìn nhận rất thực tế. Ví dụ như ngày xưa các cụ có khi sinh 8 đến 10 người con. Thế nhưng mọi người vẫn thường nói bố mẹ có thể nuôi được 8 con hay 10 con nhưng 8 hay 10 người con lại không thể nuôi được bố mẹ. Vì thế, theo tôi kể cả 1 con hoặc 2 con nhưng do cách giáo dục con và cách hướng con đi đến đâu trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này và đây cũng là điều khiến con xử sự hoặc đối với bố mẹ sau này thế nào” – chị Lan Anh nói.
Còn cô Nguyễn Thị Thuỷ (48 tuổi), trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng cuộc sống của mình lúc về già không phụ thuộc vào con nhiều hay ít mà chỉ nghĩ rằng việc hạn chế mức sinh để cho con có cuộc sống tốt hơn.
Sinh nhiều con về già cũng chưa chắc đã tốt hơn vì hiện nay có nhiều gia đình rất đông con nhưng bố mẹ già cũng không được chăm sóc đến nơi đến chốn.
Đẻ “vô tội vạ” thì chẳng khác gì thời nguyên thủy?
Bên cạnh những ý kiến nên lựa chọn phương án thứ nhất với chính sách mềm dẻo, linh hoạt thì cũng có người không đồng tình với việc điều chỉnh này: Nhiều năm nay, người dân đã quen với chính sách chỉ sinh từ 1-2 con, bây giờ lại đưa ra phương án điều chỉnh, nhất phương án cho sinh con thoải mái.
Việt Nam bây giờ đất chật người đông, đường xá nhỏ hẹp, giao thông ùn tắc, thiếu việc làm trầm trọng, bao nhiêu vất vả, khó khăn, giống như “nhà nghèo đông con”.
Bác Đỗ Thị Liễu, số 2 Lê Quý Đôn, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Với mật độ dân số thủ đô như thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng việc sinh con ít hay nhiều phải đảm bảo được cuộc sống cho bọn trẻ. Nếu sinh 1 con nhưng chăm sóc tốt, nuôi dạy tốt còn hơn sinh nhiều mà không nuôi dạy được, sau này trở thành gánh nặng không chỉ cho gia đình mà cả xã hội. Công tác kế hoạch hóa gia đình không nên quá bị áp đặt, gia đình nào có điều kiện chăm sóc thì hãy sinh, còn không, nên hạn chế số con để có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Còn nếu để người dân tự ý sinh thoải mái khác nào quay lại thời nguyên thủy, lạc hậu”.
Đây là những ý kiến có nên điều chỉnh mức sinh hay không, nhưng có một vấn đề khác cũng rất đáng lưu ý là hiện nay, nhiều người trẻ tuổi đang có xu hướng không muốn sinh con. Điều này về lâu dài cũng sẽ có những tác động lớn tới cơ cấu dân số của nước ta.
Bác Vũ Thị Bích Ngà, 52 tuổi hiện đang buôn bán tự do nói rằng: “Nếu như ngày trước, người dân còn sinh nhiều do những quan niệm cũ thì ngày nay, ai cũng muốn con cái có điều kiện phát triển tốt nhất, bọn trẻ cũng không muốn sinh nhiều con, chúng còn muốn dành thời gian cho bản thân nữa. Khi chúng không muốn sinh con thì không ai ép được. Hơn nữa, việc mỗi gia đình đều muốn có nếp, có tẻ, nhỡ lần đầu sinh đôi trai hoặc gái mà muốn sinh tiếp nhưng không được phép thì cũng bất công cho họ”.
Có thể thấy, bất cứ phương án cũng có những ưu – nhược điểm riêng. Trên cơ sở thống nhất nhận định về tình hình, xu thế phát triển trong thời gian tới, nước ta cần phải tìm ra giải pháp phù hợp để nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để làm tốt hơn nữa công tác dân số trong tình hình mới.
Theo VOV