“Xóa trắng” về CNTT cho thư viện huyện: Từ “cú hích” của Thư viện tỉnh
Từ tháng 7.2017, tất cả 10 thư viện huyện, thị xã trong tỉnh đều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động. Từ hỗ trợ của Thư viện tỉnh, bộ mặt hệ thống thư viện huyện đã được cải thiện đáng kể.
Tập huấn về sử dụng phần mềm Openbiblio cho nhân viên thư viện huyện tại Thư viện tỉnh.
Nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động ở hệ thống thư viện huyện, thị xã (gọi chung là TVH) rất lớn. Tuy nhiên, việc “nuôi” TVH vốn thuộc quyền và trách nhiệm của địa phương. Ứng dụng CNTT trong TVH, chỉ có thể thực hiện khi có đủ cơ sở vật chất (máy tính, hạ tầng mạng internet). Trong khi đó, cuối năm 2014 trở về trước, đại đa số TVH trong tỉnh không có máy tính…
Từ một dự án
Cuối năm 2014, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ nước ngoài Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) tài trợ (gọi tắt là dự án BMGF - VN) trang bị cho mỗi TVH 10 máy tính nối mạng. Lãnh đạo Thư viện tỉnh giao nhiệm vụ cho bộ phận tin học (thuộc Phòng Thông tin tư liệu - Thư viện tỉnh) tìm giải pháp phù hợp nhất để áp dụng CNTT cho toàn bộ TVH. Hai yêu cầu cụ thể được đặt ra là: tận dụng trang thiết bị sẵn có (không đầu tư thêm) và dễ sử dụng, phù hợp trình độ nhân viên TVH vốn còn hạn chế về chuyên môn CNTT.
Ngoài 10 TVH, còn có thư viện thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) sử dụng phần mềm quản lý thư viện Openbiblio do Thư viện tỉnh hỗ trợ. Tất cả 11 TV trên đều đã được hòa mạng, có trang điện tử riêng (sử dụng chung đuôi “nlv.vn” sau “tv” (thư viện viết tắt) kèm tên địa phương; ví dụ TVH Phù Cát: tvphucat.nlv.vn).Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn giúp triển khai phần mềm trên cho 1 TVH ngoài tỉnh là TV Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Ðiền, Thừa Thiên - Huế.
Năm 2016, sau khi hoàn thành, Dự án BMGF - VN tại Bình Định bàn giao hệ thống máy chủ cho Thư viện tỉnh. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm các phần mềm, với định hướng tiết kiệm, linh hoạt, Thư viện tỉnh đã chọn phần mềm mã nguồn mở, “tự động hóa” các quy trình làm việc của thư viện Openbiblio.
Ngay sau đó, Thư viện tỉnh bắt tay vào các phần việc: Việt hóa phần mềm, cải tiến, cài đặt thử nghiệm, biên soạn tài liệu đào tạo… Tháng 5.2017, đơn vị tổ chức tập huấn về sử dụng Openbiblio cho nhân viên của 10 TVH trong 5 ngày. Tiếp đó tháng 6.2017, nhân viên kỹ thuật của Thư viện tỉnh xuống tận mỗi TVH để khảo sát mức độ sử dụng, kịp thời hướng dẫn thêm, nhất là xử lý tài liệu trực tiếp trên máy…
“Cú hích” và diện mạo mới
Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, nếu khi chưa ứng dụng CNTT, các hoạt động tại TVH bao gồm việc tìm sách, ghi sổ mượn - trả sách, làm biên mục và phân loại…là những hoạt động khá tẻ nhạt. Thì nay, nhờ có phần mềm thủ thư không còn phải làm thủ công và mất nhiều thời gian cho các khâu nghiệp vụ như biên mục, phân loại, quản lý tài liệu, quản lý bạn đọc… Thời gian có thêm nhờ CNTT hỗ trợ, dùng để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Tương tự, bạn đọc đến TVH đã có thể tra cứu, đặt mượn (giữ chỗ tài liệu) hay gia hạn, xem nhật ký mượn - trả của cá nhân, sửa đổi thông tin cá nhân… Tất cả các hoạt động, các thao tác đều trên máy tính.
Triển khai phần mềm quản lý thư viện cho tất cả 10 TVH trong tỉnh là nỗ lực rất lớn của Thư viện tỉnh. Thực tế khi Dự án BMGF - VN ở một số địa phương ngoài tỉnh kết thúc, xuất hiện nguy cơ nguồn máy tính không được tiếp quản, sử dụng hiệu quả để nối dài ý nghĩa Dự án. Nhờ dự lường được tình huống đó, Thư viện tỉnh đã tính được cách phát huy và nối dài hiệu quả của Dự án. “Chúng tôi đã có kế hoạch đến cuối năm sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá về hiệu quả của hoạt động trên; tuy nhiên, điều trước mắt có thể thấy rõ là diện mạo TVH đã năng động hơn, có cơ sở để thu hút bạn đọc hơn. Điều các TVH nên làm hiện nay là thông tin về việc cập nhật ứng dụng CNTT ở đơn vị mình để bạn đọc biết, tổ chức các hoạt động để thu hút bạn đọc đến, có như thế thì nỗ lực của các bên mới thêm giàu ý nghĩa”, ông Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ.
SAO LY