Nâng cấp, mở rộng Ðền thờ Tây Sơn tam kiệt: Tiếp tục hoàn thiện phương án thiết kế
Ðền thờ Tây Sơn tam kiệt chứa đựng câu chuyện lịch sử tiếp nối qua hàng thế kỷ về tấm lòng kính ngưỡng được bao thế hệ người dân tiếp nối gìn giữ và bồi đắp. Thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung, Ðền thờ đang được quan tâm triển khai các bước chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng công trình mới.
Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung (1792-2017) tại Đền thờ Tây Sơn tam kiệt.
Di tích của lòng dân
Ngày xưa, ngay trên mảnh đất tương truyền là nơi tọa lạc ngôi nhà 3 anh em Tây Sơn sinh ra, lớn lên, để tránh sự trả thù, cấm đoán của triều Nguyễn, nhân dân đã đóng góp tiền của và công sức xây dựng đình Kiên Mỹ (nay thuộc khối I, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) để bí mật thờ “Ba Ngài Tây Sơn”. Đến năm 1947, đình Kiên Mỹ bị phá, dân làng lại lập một miếu nhỏ để tiếp tục thờ cúng. Từ 1958 - 1960, nhân dân Bình Khê đã đóng góp công của xây dựng và đặt tên công trình mới là Điện thờ Tây Sơn tam kiệt (Điện Tây Sơn).
Đến năm 1998, Điện thờ Tây Sơn tam kiệt đã được nhà nước đầu tư nâng cấp mở rộng, tôn tạo quy mô hơn. Nội thất Điện hiện nay có 10 án thờ, gồm án tiền điện là án công đồng, thờ chung các vị trong điện và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn. Hậu điện có 3 án, chính giữa là án thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, phía bên phải là án thờ Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, bên trái là án thờ Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Hai phía Đông và Tây trong nội điện đặt 6 án thờ các văn thần võ tướng tiêu biểu của triều đại Tây Sơn…
Từ nhiều ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt (Điện thờ, Bến Trường Trầu, Bảo tàng Quang Trung và các công trình văn hóa khác) đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2014.
Sẽ nâng cấp, mở rộng Ðền thờ
Thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung, việc xây dựng phương án thiết kế đầu tư xây dựng công trình Đền thờ Tây Sơn tam kiệt đã được chủ đầu tư là Sở VH&TT tiến hành từng bước cẩn trọng theo đúng quy định.
Ðã có rất nhiều đoàn lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đến dâng hương Ðền thờ Tây Sơn tam kiệt. Vào các ngày lễ tri ân được tổ chức hằng năm tại Bảo tàng Quang Trung như hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt, giỗ Hoàng đế Quang Trung, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi- Ðống Ða… luôn có rất đông người dân và du khách ở nhiều vùng, miền trong nước hội tụ về Ðền thờ để chiêm bái, tưởng nhớ ân đức của các bậc tiền nhân.
Ngoài việc xin ý kiến chỉ đạo của Bộ VH-TT &DL, Cục Di sản Văn hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tư vấn của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa có uy tín, Sở VH&TT cũng phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tổ chức lấy ý kiến cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện (đầu tháng 12.2016) về các phương án thiết kế kiến trúc hạng mục Đền thờ Tây Sơn tam kiệt.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Từ nhiều ý kiến chỉ đạo, tư vấn, đóng góp, Sở VH&TT đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng các phương án thiết kế Đền thờ, trình UBND tỉnh, Tỉnh ủy xem xét đã nhiều lần. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cơ bản thống nhất phương án nâng cấp, mở rộng Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, gồm các công trình nhà Tiền tế, Tiền bái, Thượng điện. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện thêm về phương án thiết kế để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thông qua…”.
Được biết, theo phương án thiết kế của Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng công trình văn hóa Tâm Việt, thì Đền thờ Tây Sơn tam kiệt được xây dựng trên khu đất hiện trạng với quy mô quy hoạch mở rộng lên 7.000m2 (Đền thờ hiện nay có quy mô tổng thể hơn 5.000 m2), bố trí mặt bằng gồm nhiều hạng mục cải tạo và xây mới. Trong đó, đề xuất hạ giải nghi môn cũ, xây mới nghi môn theo hình thức truyền thống. Cải tạo Đền thờ hiện trạng thành nhà Tiền tế, với ý nghĩa là nơi thờ tự gia tộc anh em nhà Tây Sơn...
Đền thờ có nhà Tiền bái xây mới, gồm có 7 gian: gian chính giữa thờ ngai và bài vị hội đồng tướng lĩnh. Bên phải và bên trái đều có 3 gian thờ các văn thần võ tướng tiêu biểu của nhà Tây Sơn. Tiếp đến là nhà Hậu cung (Thượng điện) cũng gồm 7 gian: gian chính giữa thờ Hoàng đế Quang Trung; gian bên phải thờ Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc; bên trái là gian thờ Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Hai gian kế tiếp thờ thân phụ, thân mẫu của Tây Sơn tam kiệt, còn lại là hai gian hồi bày lọng vàng…
Ngoài ra, theo phương án thiết kế, Đền thờ còn có các hạng mục cải tạo nhà bia hiện tại, nhà che giếng cổ, bảo tồn cây me cổ thụ, tu bổ và tôn tạo đường dạo, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật…để góp phần bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa Di tích quốc gia đặc biệt.
HOÀI THU