Vân Canh: Chăm lo đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Những năm qua, Hội LHPN huyện Vân Canh luôn chăm lo cuộc sống cho phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của chị em vùng sâu, vùng xa được cải thiện đáng kể.
Phụ nữ làng Đắk Đâm, thị trấn Vân Canh vui ngày hội làng.
Vân Canh có gần 40% số hội viên Hội LHPN huyện là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, khả năng nắm bắt thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hội LHPN huyện Vân Canh đã coi nhiệm vụ cải thiện đời sống cho chị em là nhiệm vụ trọng tâm. Thông qua các phong trào thi đua, các hoạt động của Hội, Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, giúp chị em tự tin vươn lên trong cuộc sống. Chị Đinh Thị Thở, ở làng Canh Phước, xã Canh Hòa, cho biết: “Chị em ở huyện, ở xã cùng nhau tuyên truyền vận động phụ nữ tự lực vươn lên để cải thiện cuộc sống, nên đa số chị em trong làng đã có kiến thức làm kinh tế, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình; biết giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc, cuộc sống của chị em trong làng tiến bộ hơn xưa rất nhiều”.
Song song với công tác tuyên truyền, các cấp hội đã thống kê, rà soát số phụ nữ người dân tộc thiểu số nghèo để có hướng giúp đỡ về công lao động, kiến thức, vốn. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, như: tổ “Phụ nữ giúp nhau sản xuất giỏi”, tổ “Phụ nữ vay vốn không nợ quá hạn”, tổ “Phụ nữ trồng chuối, đu đủ”, tổ “Phụ nữ chăn nuôi tập trung”… Qua đó, các chị giúp nhau kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; vốn; giống; đổi công thu hoạch, trồng mới và chăm sóc các loại cây mía, mì, lúa, keo kịp thời vụ, hạn chế thiệt hại do thiên tai. Hội đã phối hợp Ngân hàng CSXH huyện giải ngân 3.445 khế ước từ các nguồn vốn vay ưu đãi, với số tiền trên 98 tỉ đồng giúp hội viên phát triển kinh tế; phối hợp với các ngành chuyên môn chuyển giao kiến thức về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, cung cấp thông tin về giá cả, thị trường tiêu thụ nông sản, giúp chị em chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, bán ra thị trường, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chị Măng Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện, nhận xét: “Bây giờ chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã biết làm kinh tế nên cuộc sống được nâng lên đáng kể”.
Đồng thời với việc chăm lo đời sống vật chất, Hội LHPN huyện Vân Canh cũng luôn chăm lo đến đời sống tinh thần cho chị em. Ở xã Canh Thuận, mỗi làng đều có một đội bóng chuyền nữ tham gia giải bóng chuyền do Hội LHPN xã tổ chức hàng năm vào dịp 8.3. Chị Lê Thị Me, Chi hội trưởng Phụ nữ làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, tâm sự: “Nhờ tổ chức các hoạt động giao lưu thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ mà chị em có dịp trò chuyện, hiểu nhau hơn và có những hoạt động tích cực giúp nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
HẠNH PHÚC