Lắng nghe, chia sẻ và hành động
Ghi nhận, biểu dương và cùng chia sẻ với những khó khăn của các DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng hy vọng với ý chí doanh nhân Việt, khí phách của những người con đất võ Bình Ðịnh, những “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế sẽ tiếp tục đi lên, đóng góp vào sự phát triển KT-XH.
Chiều 12.10, UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt doanh nhân, DN nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10. Hơn cả sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, DN trong sự phát triển KT-XH của đất nước và địa phương; đây cũng là dịp để chính quyền tỉnh nhìn lại quá trình đồng hành cùng DN “vượt khó”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng (thứ 2, từ phải sang) trao đổi với các doanh nhân tại buổi gặp mặt. Ảnh: VĂN LƯU
Những gam màu sáng
Sở KH&ĐT nhận định, đội ngũ DN, doanh nhân cả nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đã có những bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, cơ cấu, quy mô và lĩnh vực hoạt động. Riêng Bình Định có trên 6.000 DN, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 608 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký gần 2.500 tỉ đồng, tăng 24,6% so cùng kỳ năm trước. Và còn rất nhiều dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. “Ngay trong năm nay, UBND tỉnh và Sở KH&ĐT đã đồng ý chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án lớn, tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Điều đó chứng tỏ năng lực các DN của chúng ta đã thực sự lớn mạnh, vững chắc, sánh ngang với các DN lớn trong và ngoài nước”, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải cho biết.
“Cải cách thủ tục hành chính của tỉnh dù đã đạt nhiều kết quả, nhưng thủ tục đầu tư của DN còn rườm rà, vướng lắm, nhất là thủ tục đất đai, đầu tư, giấy phép xây dựng. Vấn đề nào liên quan đến sở, ngành, địa phương nào thì phải giải quyết ngay. Tôi cũng đề nghị các hội và hiệp hội DN phát huy tốt vai trò “cầu nối” chính quyền với DN. Có như vậy DN mới lớn mạnh!”
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh PHAN CAO THẮNG
Sự phát triển đó của DN đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp. “Đội ngũ DN, doanh nhân chính là động lực, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Với tinh thần đó, tôi hy vọng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều DN mới, năng động, phát huy ý chí kinh doanh và tinh thần dân tộc, làm giàu cho mình, cho tỉnh và cho đất nước”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng bày tỏ.
Ý thức được vấn đề chính quyền phải luôn sát cánh cùng DN, tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản, tạo nhiều cơ chế và môi trường thông thoáng để DN hoạt động, phát triển.
- Trong ảnh: Chế biến cá đông lạnh xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ý thức được vấn đề chính quyền phải sát cánh cùng DN, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, tạo nhiều cơ chế và môi trường thông thoáng để DN hoạt động hiệu quả và không ngừng phát triển. UBND tỉnh đã triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Đặc biệt, từ những kiến nghị của cộng đồng DN sau phiên đối thoại với lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh tại kỳ họp mới đây thông qua 3 nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ DN hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp hỗ trợ, các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải cũng thông tin thêm: “Sở KH&ĐT đã rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của DN; nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho DN”.
Trong khi đó, việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, DN được lãnh đạo tỉnh ngày càng chú trọng. Các buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các DN diễn ra thường xuyên hơn. Khoảng cách từ chủ trương đến triển khai thực hiện, tạo điều kiện để DN, doanh nhân phát triển đã được rút ngắn khá nhiều, và điều này nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng DN.
Tại buổi gặp mặt, Giám đốc Sở Công Thương Man Ngọc Lý cũng cam kết tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN. Cụ thể, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cắt giảm 10 - 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định; thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ, kịp thời hướng dẫn, giải quyết khi có vướng mắc phát sinh.
“Tỉnh đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, xác định DN là bộ phận trọng yếu tạo ra động lực phát triển KT-XH, quyết định đà tăng trưởng của tỉnh. Tới đây, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh việc đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, thông quan hàng hóa...”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng nhấn mạnh.
THU HIỀN - VIẾT HIỀN
BÀ ÐỒNG THỊ ÁNH – CHỦ TỊCH HỘI NỮ DOANH NHÂN TỈNH:
Xây dựng chính sách hỗ trợ DN một cách toàn diện
Lần đầu tiên, trong nội dung văn kiện Đại hội XII của Đảng, kinh tế tư nhân được đề cập như là động lực quan trọng của nền kinh tế. Mong muốn của đội ngũ doanh nhân lúc này chính là tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ DN một cách toàn diện, có sự tham gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng và các cơ quan nhà nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay, hỗ trợ tư pháp, chế độ thông tin, hỗ trợ đào tạo…
ÔNG LÊ MINH THIỆN – CHỦ TỊCH HIỆP HỘI GỖ VÀ LÂM SẢN TỈNH:
Tháo gỡ khó khăn cho DN
Chúng tôi mong muốn nhận được những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và UBND tỉnh, các sở, ngành để tuyên truyền, chuyển tải, đưa những chính sách này sớm đi vào đời sống và phát huy tác dụng ngay trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên. Hiệp hội cũng luôn theo dõi sát sao, nắm bắt nguyện vọng, thông tin phản ảnh của hội viên để kiến nghị các cấp, ngành sớm hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho cộng đồng DN. Cụ thể, trong năm 2017, Hiệp hội đã kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành tiếp tục xem xét giải quyết việc bình ổn giá cước dịch vụ trên địa bàn tỉnh như: Miễn cước cơ sở hạ tầng đối với vận tải đường bộ tại cảng Quy Nhơn, giảm phí duy tu cơ sở hạ tầng trong KCN Phú Tài - Long Mỹ khi xét đến yếu tố đặc thù của quá trình hình thành các khu công nghiệp này, giảm đơn giá thuê đất tại một số huyện để kích thích phát triển công nghiệp chế biến tại địa phương...
ÔNG VŨ HỒNG QUÂN - PHÓ CHỦ TỊCH HỘI DOANH NHÂN TRẺ TỈNH:
Một “đầu mối” tư vấn thủ tục đầu tư
Nên hình thành một đầu mối tư vấn, hỗ trợ các vấn đề về thủ tục pháp lý đầu tư cho cộng đồng DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hình thành một đơn vị tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý, khi xảy ra các vấn đề không thể giải quyết được ở cấp cơ sở. Điều này sẽ tăng cường được tính công bằng, minh bạch trong quản lý nhà nước, cũng như đúng với tinh thần hỗ trợ cộng đồng kinh tế tư nhân của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII).
ÔNG LÊ CHÁNH - PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÁC NHÀ THẦU XÂY DỰNG TỈNH:
Hạn chế giấy phép “con” và chi phí “không chính thức”
Có nhiều kiến nghị chung của các DN xây dựng cần được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ, như vấn đề nợ đọng trong xây dựng; nhũng nhiễu khi kiểm tra, thanh tra, làm phát sinh các chi phí “không chính thức” tạo gánh nặng cho DN; điều kiện, giấy phép “con” trong đăng ký hoạt động của DN tạo cơ chế xin - cho dễ phát sinh tiêu cực… Đây là những việc mà các cấp, ngành phải quyết tâm giải quyết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
V.H - T.H (Ghi)