Nhà giáo viết về nhà giáo
Cuộc thi viết về “Tấm gương Nhà giáo Việt Nam” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động tháng 6.2017 vừa kết thúc vào cuối tuần qua. Nêu gương sáng về hình ảnh người thầy tốt đẹp là chuyện không mới, nhưng khi giáo viên viết về giáo viên thì câu chuyện lại mang những sắc thái khác...
Từng tham gia nhiều cuộc thi tương tự và đạt giải thưởng cao, nhưng lần này, cô giáo Đặng Thị Mai Thủy (Trường THPT Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) chất chứa thật nhiều xúc cảm. Cô trải lòng: “Là người lớn tuổi, chiêm nghiệm cuộc sống đã nhiều, tôi nhận thấy ở đời, có những người sống hết lòng, hết mình vì lợi ích của tập thể, làm mình thật sự mến phục. Cuộc thi đã cho tôi cơ hội để bày tỏ sự tin yêu, lòng ngưỡng mộ ấy với họ”.
Nhân vật cô Mai Thủy viết là thầy Nguyễn Bá Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh, mà theo cô là người vô cùng tâm huyết với sự nghiệp xây dựng ngôi trường này. Từ lúc thầy về trường, trường đã không ngừng đổi thay ở nhiều phương diện: cơ sở vật chất được đầu tư; khả năng, nội lực của cán bộ, giáo viên được phát huy; chế độ chính sách cho nhà giáo, học sinh được đảm bảo; phong trào thi đua liên tục khởi sắc. Thế nhưng, bài viết của cô Thủy không ca ngợi tài năng, tầm chiến lược hay thành tích… của thầy hiệu trưởng, mà xoay quanh cái tâm của một người thầy, trên nền tảng nhờ vợ nhờ con hỗ trợ nhiệt tình mà thầy mới làm được những điều tốt đẹp cho trường.
Ban giám khảo cấp tỉnh đã trao giải Nhất của Cuộc thi cho cô Thủy kèm theo nhận xét: Bài viết về lãnh đạo trường nhưng không mang tư tưởng tâng bốc cấp trên, mà từ sự gắn bó, hiểu biết, chia sẻ của đồng nghiệp với đồng nghiệp, tạo nên sự lôi cuốn và sức thuyết phục cao.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, trong số 111 bài viết dự thi, có rất nhiều bài viết hết sức cảm động, đầy sức thuyết phục. Chẳng hạn, bài viết của một giáo viên lâu năm về một giáo viên trẻ ở Trường THCS Đống Đa (Quy Nhơn). Cách một người thuộc lớp tiền bối đánh giá và ghi nhận nỗ lực của một người ở lớp hậu sinh vừa giàu sức thuyết phục vừa ấm áp với nhiều động viên chân thành. Cũng có những bài viết thể hiện lòng biết ơn như 2 bài viết của 2 giáo viên trẻ ở Trường THPT số 3 An Nhơn (TX An Nhơn) cùng viết về thầy Nguyễn Hữu Lộc - nguyên hiệu trưởng nhà trường. Ở góc nhìn về sự quan tâm đến đời sống, đến tâm tư tình cảm của giáo viên trẻ, hình ảnh một hiệu trưởng luôn xắn tay vào làm mọi việc tạo ra sự thuyết phục, ngưỡng mộ với mọi người, và là một tấm gương sáng cho giáo viên trẻ soi vào.
Có những bài viết về giáo viên dạy môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh không nề hà bất cứ việc gì, sẵn sàng xốc vác cùng trường trong mọi công tác phong trào. Hay những bài viết của giáo viên từng là học trò và giờ là đồng nghiệp của nhân vật, mang dấu ấn cảm xúc riêng tư cũng nhiều. Một số bài viết về thầy cô giáo đã nghỉ hưu hoặc một giáo viên từng dạy mình…
Thầy Trần Hà Nam, thành viên giám khảo của Cuộc thi, cho rằng, dù là người chấm bài nhưng bản thân mình vẫn học hỏi được nhiều điều qua những tấm gương đồng nghiệp. “Tôi có biết một số người là nhân vật của bài viết. Có những ẩn khuất về họ mà chỉ giáo viên trong trường mới biết thôi. Chẳng hạn thầy Nguyễn Hữu Lộc (nguyên hiệu trưởng Trường THPT số 3 An Nhơn), để được những đồng nghiệp trẻ yêu quý, xem là tấm gương để phấn đấu thì thầy quả thật là một lãnh đạo rất đáng để tôn vinh!”.
Nhận xét về Cuộc thi, bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Bình Định, cho rằng, đây là một cuộc thi có nhiều ý nghĩa. “Đó là những câu chuyện có thật, sinh động về tấm gương thầy cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, vượt khó vươn lên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thi đua của ngành; về những hy sinh thầm lặng, tấm lòng nhân hậu; về tài năng, sự cống hiến của nhà giáo đối với ngành giáo dục tỉnh nhà. Những tấm gương ấy rất cần được biểu dương và tuyên truyền rộng rãi để nhân rộng, lan tỏa…”.
NGỌC TÚ