Công tác trợ giúp pháp lý lưu động: Giảm khiếu kiện kéo dài
Hàng năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giải đáp những thắc mắc về pháp lý của người dân, qua đó góp phần giảm tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài.
Các trợ giúp viên pháp lý trực tiếp tư vấn và TGPL cho người dân tại xã An Quang (huyện An Lão).
Thời gian qua, công tác kết hợp trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động với phổ biến giáo dục pháp luật theo chuyên đề của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp người dân cũng như cán bộ xã giải quyết những khúc mắc kéo dài. Bởi, nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên mỗi khi xảy ra mâu thuẫn hoặc quyền lợi bị ảnh hưởng, dù chưa biết đúng, sai cũng làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền. Những vụ khiếu nại kiểu này gây rắc rối, làm mất thời gian cho cả người dân lẫn chính quyền.
Theo thống kê của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã tổ chức được 132 đợt TGPL lưu động, 169 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, có hơn 8.300 lượt người dân tham gia; tăng so với cùng kỳ năm trước 53 đợt TGPL lưu động.
Điển hình, bà Lê Thị N. (xã Cát Thắng, huyện Phù Cát) có tranh chấp dân sự về đất đai và khởi kiện ra tòa án. Sau khi tòa xử, bà N. không chấp nhận bản án nhưng lại không kháng nghị phúc thẩm, sau đó là giám đốc thẩm và tái thẩm theo Luật Tố tụng dân sự quy định, mà lại khiếu nại đến các cơ quan chính quyền. Như vậy, vụ việc là tranh chấp dân sự, bà N. lại khiếu nại hành chính, dẫn đến sự việc kéo dài, mất thời gian cho cả hai bên. Sau khi được tư vấn và giải thích từ Trung tâm TGPL tỉnh, bà N. đã hiểu được và tiến hành các bước giải quyết sự việc theo đúng Luật Tố tụng dân sự.
Còn tại xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), ông Nguyễn Đ. cùng người dân trong thôn bức xúc tình trạng trộm vặt xảy ra tại địa phương, bởi dù chỉ mất con gà, con vịt, giá trị không cao, nhưng lại bị trộm nhiều lần. Người dân đã nhiều lần bắt được kẻ trộm, giao cho chính quyền, nhưng vì thấy xã chỉ xử phạt hành chính rồi thả đối tượng, nên liên tục kéo lên xã kiến nghị phải xử lý nặng hơn, dẫn đến vụ việc kéo dài. Khi đoàn công tác TGPL lưu động về địa phương, nghe người dân trình bày, các trợ giúp viên pháp lý đã giải thích cặn kẽ, rằng đối với hành vi trộm cắp tài sản thì tài sản bị trộm phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mới có cơ sở để khởi tố hình sự; việc chính quyền xử lý hành chính là phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, các trợ giúp viên còn khuyên người dân đừng vì trong lúc nóng giận mà có hành động đánh đập, bắt giữ, làm nhục kẻ trộm; vì như vậy, nếu có hậu quả xảy ra, chính người dân từ bị hại sẽ biến thành bị can, bị cáo vì tội cố ý gây thương tích hoặc bắt giữ người trái pháp luật. Sau khi được giải thích, người dân mới vỡ lẽ và không còn thắc mắc với chính quyền nữa.
Theo ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, hiện nay nội dung người dân thắc mắc, khiếu nại nhiều nhất là vấn đề đất đai, đáng chú ý không phải do chính quyền địa phương gây khó khăn, mà nguyên nhân chính là từ quan niệm của người dân: Đất của ông bà để lại từ những năm về trước, còn Luật Đất đai thì mới quy định đây. Khi người dân thắc mắc, khiếu nại thì cán bộ tại địa phương có nơi giải thích chưa rõ ràng; có nơi người dân không tin tưởng vào lời giải thích của cán bộ cấp xã nên sự việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Chính vì vậy, khi đoàn TGPL lưu động về địa phương, giải đáp những thắc mắc này; đồng thời, giải thích sâu hơn nội dung, quy định của Luật Đất đai, người dân hiểu rõ vấn đề hơn, không còn khiếu nại, nhờ đó mà đơn thư khiếu nại trong thời gian gần đây cũng giảm đi phần nào.
KIM CHI