Hạn chế vi phạm hành lang an toàn lưới điện
So với cả nước, Bình Ðịnh là một trong những địa phương có số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện thấp nhất. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn khá phức tạp, đặt ra bài toán khó đối với ngành Ðiện trong việc giảm thiểu vi phạm.
Người dân còn chủ quan
Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định), số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, từ 79 vụ năm 2015 giảm còn 61 vụ trong năm 2016. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 có 53 vụ vi phạm, chủ yếu tập trung ở TP Quy Nhơn.
20 hộ dân ở tổ 9, KV 8, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) bất chấp nguy hiểm xây nhà ngay dưới đường dây điện trần 22 kV.
Ông Thái Minh Châu, Phó Giám đốc PC Bình Định, cho biết, vi phạm liên quan đến xây dựng nhà cửa ở khu vực đô thị giảm nhưng diễn ra phức tạp ở vùng ven và nông thôn; tăng các vi phạm trồng cây và thi công, làm việc không đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện. Nguyên nhân do khu vực nông thôn, miền núi chưa có quy hoạch xây dựng đầy đủ, rõ ràng; mặt khác, lưới điện do các địa phương đầu tư kéo ngang qua đất của người dân. Tuy nhiên, cái chính vẫn là do người dân thiếu ý thức, không chấp hành quy định về an toàn điện.
Ông Đặng Quốc Phong, Phó Giám đốc Điện lực Phú Tài, cho hay, có 20 hộ dân ở tổ 9, KV 8, phường Nhơn Phú xây, sửa nhà nằm ngay dưới lưới điện 22 kV; mái nhà cách đường dây điện trần chỉ 1,5 - 2m, trong khi khoảng cách chiều cao an toàn tối thiểu theo quy định là 3 m, khoảng cách chiều ngang là 3 m.
Việc vi phạm HLATLĐ đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Năm 2016 có 3 vụ tai nạn do dựng cột bê tông, lắp biển quảng cáo vi phạm HLATLĐ cao áp, làm chết 1 người và bị thương nặng 7 người. Tháng 1.2017, thêm 1 vụ tai nạn, khiến 3 người bị bỏng nặng. Ngoài thiệt hại về người, vi phạm HLATLĐ còn gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho ngành Điện. Năm 2016, có 45 sự cố cây ngã đổ gây mất điện kéo dài, làm thiệt hại 28.200 kW điện. 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 68 sự cố tương tự, làm mất gần 55.000 kW điện.
Nhiều vụ thi công xây dựng làm đứt đường dây, gây mất điện hàng giờ liền, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và sinh hoạt của người dân. Điển hình như vụ xe ben của một đơn vị thi công cầu đường chạm vào đường dây điện cách đây 2 tháng, làm mất điện 5 giờ trên toàn địa bàn xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn).
Nỗ lực hạn chế vi phạm
PC Bình Định đặt mục tiêu năm 2017 giảm 10% số vụ vi phạm HLATLĐ liên quan đến xây dựng, giảm 40% số vụ liên quan đến trồng cây và thi công so với năm 2016; không để xảy ra tai nạn chết người.
Theo ông Châu, thời gian qua, PC Bình Định đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp để ngăn ngừa sự cố và tai nạn điện do vi phạm HLATLĐ tại các điện lực trực thuộc. Cụ thể là chủ động thống kê các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố vì cây ngã đổ, đề nghị người dân chặt tỉa cây nằm gần HLATLĐ; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn điện thông qua báo, đài và phát trực tiếp hàng ngàn tờ rơi đến các hộ dân; kiểm tra và khắc phục đường dây, cột điện yếu tại những điểm xung yếu, dễ bị sạt lở trong mùa mưa bão…
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như chưa có sự phối hợp đầy đủ, kịp thời giữa các đơn vị điện lực và chính quyền địa phương trong việc xử lý sớm và dứt điểm những trường hợp công trình, nhà ở vi phạm HLATLĐ; không có cơ sở phạt hành vi trồng cây tuy nằm ngoài phạm vi HLATLĐ nhưng vẫn có nguy cơ gây sự cố vì tán cây xòe sát đường dây; chưa lắp biển cảnh báo tại nhiều vị trí theo quy định…
Sắp tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh những biện pháp đang thực hiện, ngành Điện có kế hoạch ngầm hóa đường dây điện tại một số tuyến đường như Xuân Diệu, An Dương Vương (TP Quy Nhơn) để hạn chế vi phạm HLATLĐ. Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng: “Một mình ngành Điện không thể giải quyết được tình trạng vi phạm HLATLĐ, mà cần phải có sự chung tay tích cực hơn nữa của các địa phương và các ngành khác, đặc biệt là cơ quan quản lý cấp phép xây dựng”.
TỐ UYÊN