Ứng xử với thiên nhiên!
Mưa lớn. Lũ quét. Núi lở. Đá lăn. Hàng trăm người chết và mất tích, nhiều thôn xóm bỗng chốc thành bình địa, nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, hàng ngàn người dân bỗng chốc lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”… Đó là những gì đã và đang diễn ra ở các tỉnh phía Bắc.
“Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 14.10, mưa lũ tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đã làm 60 người chết, 37 người mất tích; hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, trên 30.000 ngôi nhà bị ngập sâu, gần 2.000 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp; trên 50.000 ha lúa và hoa màu bị mất trắng, hàng vạn gia súc gia cầm bị chết hoặc cuốn trôi. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng…” - những dòng tin tức phủ kín trên các trang báo trong mấy ngày vừa qua, cũng chính là nỗi nhói đau trong lòng tất cả chúng ta trước những thảm họa mà bà con các tỉnh phía Bắc đang phải gánh chịu.
Trong đợt thiên tai đáng nguyền rủa này, cái mà hay được nhắc đến là sự bất thường của thời tiết, với những trận mưa lớn và kéo theo là những hệ lụy khủng khiếp chưa từng thấy. Tuy nhiên, bình tâm mà suy xét thì mới vỡ ra rằng, nếu như rừng không bị tàn phá, núi đồi không bị san ủi tùy tiện thì liệu rằng mưa lũ có đến mức gây ra sự tàn phá dữ dội đến như vậy không? Nếu như công tác cảnh báo thiên tai được làm tốt hơn, công tác dự báo thời tiết chính xác hơn, việc di dời các khu vực dân cư nằm trong vùng nguy hiểm được thực hiện quyết liệt hơn… thì chắc rằng những thiệt hại quá lớn về nhân mạng và tài sản sẽ giảm thiểu đáng kể, không quá lớn để trở thành thảm họa như đã xảy ra ở Yên Bái, Hòa Bình trong mấy ngày qua.
Rõ ràng, thấp thoáng đằng sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên là bóng dáng của con người. Chính con người phải trả giá cho hành vi của mình trong ứng xử với thiên nhiên.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp trong thời gian tới” mới diễn ra ngày hôm qua (14.10), vấn đề nạn phá rừng trái phép chưa được ngăn chặn có hiệu quả, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không đúng quy định của pháp luật, xây dựng thủy điện làm mất rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái… còn xảy ra ở nhiều nơi đã được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân có tác động trực tiếp làm cho mức độ tàn phá của thiên tai lũ lụt ngày càng dữ dội hơn. Chưa lúc nào câu đúc kết của người xưa “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” lại được biểu hiện rõ ràng và trực tiếp như những gì chúng ta đã chứng kiến và nếm trải sau những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Từ một vài điều nêu trên, chúng ta càng thấy rõ việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan để bảo vệ môi trường sinh thái suy cho cùng cũng chính là việc ứng xử với tự nhiên thế nào cho hài hòa để phát triển bền vững. Bất cứ hành vi hay thái độ ứng xử cực đoan, không phù hợp với quy luật, chỉ nhìn lợi ích trước mắt mà không hướng đến lâu dài thì sẽ phải trả giá đắt như đã và đang xảy ra.
H.Ð